Chúa rửa chân cho môn đệ

Người phục vụ là người tôi tớ. Đó là điều hiển nhiên! Tuy nhiên, khoảng cách giữa hai từ ngữ này lớn biết bao! Người phục vụ và phục vụ, đối với chúng ta, nghe rất êm tai. Ngược lại, tôi tớ hay nữ tì khó nghe hơn, vì những từ ngữ này gợi ra chiều kích hạ mình. Nhất là khi mỗi người sẵn sàng để nhận ra rằng tôi tớ không lớn hơn người chủ, thì Đức Giê-su sẽ mời gọi đi xa hơn nữa: “Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 44-45). Người môn đệ của Đức Ki-tô tự đặt mình ở dưới mọi người như là người tôi tớ. Vậy tại sao chúng ta cần đo lường khoảng cách giữa các từ ngữ như thế? Đó là vì tinh thần thế tục dễ dàng len vào trong ước ao phục vụ. Sự phục vụ trong xã hội và trong Giáo Hội cũng là những phương thế để tạo lập công danh sự nghiệp. Người ta đi, nhiều khi một cách vô thức, từ ước ao phục vụ sang ý muốn phục vụ chính mình.

Chính vì thế, trong hành trình Linh Thao, thánh I-nhã dẫn chúng ta trở lại với hình ảnh người tôi tớ, được cụ thể hóa nơi Đức Giê-su Ki-tô, mà thánh Phao-lô đã diễn tả bằng những từ ngữ bất hủ:

Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự.
(Pl 2, 6-8)

Trong truyền thống thiêng liêng của Giáo Hội, những người yêu mến Đức Ki-tô đã chỉ muốn giữ lại hình ảnh này về Người Tôi Tớ đau khổ, nghèo khó và khiêm hạ. Và những bài chiêm niệm, mà thánh I-nhã đề nghị trong Linh Thao, được định hướng bởi lời nguyện lạ lùng, diễn tả lòng ước ao trở nên giống Đức Ki-tô như thế đó, đến độ lựa chọn cách tự do: “tôi muốn và tôi chọn sự nghèo khó với Chúa Kitô khó nghèo hơn là sự giàu sang, sự sỉ nhục với Chúa Kitô bị sỉ nhục hơn là danh vọng, và ao ước được coi là ngu dại vì Chúa Kitô, Đấng đã bị coi như thế trước, hơn là được coi như người thông thái, khôn ngoan ở thế gian này” (Linh Thao 167). Hiển nhiên, một quyết tâm như thế không thể được áp đặt từ một điều luật bên ngoài. Nó là hoa trái của một cả một hành trình chiêm ngắm kiên nhẫn và mến yêu. Vấn đề không phải là cố đi đến đó, nhưng là để cho mình được thu hút, được nắm bắt.

Trong linh đạo I-nhã, hình ảnh ưu tiên của Đức Maria, “nữ tì của Đức Chúa” hiện diện ở đây. Vị trí mà Người đã có trong cuộc đời của thánh I-nhã, cũng hiện diện ở trong Linh Thao: đó là một lòng sùng kính kín đáo nhưng hữu hiệu:
– Lúc khởi đầu của hành trình hoán cải, hình ảnh Đức Mẹ đã thay thế cho hình ảnh của một vì công nương mà thánh I-nhã ước mơ trở thành hiệp sĩ tùy tùng. Sau này, khi ngài thực hiện đêm canh thức hiệp sĩ trước tượng Đức Mẹ của đan viện Montserrat, ngài đã kết nối Đức Maria, Mẹ của Đức Ki-tô, với sự dâng hiến được đề nghị trong Linh Thao: “Lạy Chúa Hằng Sống của muôn loài, nhờ ơn và sự trợ giúp của Chúa, con xin tiến dâng chính mình con lên trước lòng nhân từ vô biên Chúa và trước mặt Mẹ vinh hiển Chúa cùng tất cả các thánh nam nữ của triều đình thiên quốc…” (Linh Thao 98). Đức Maria chính là mẫu gương của sự hiến dâng quảng đại và sáng suốt cho việc phục vụ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38). Trong cùng một tinh thần, thánh I-nhã và các bạn đã chọn ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời, 15/8/1534, để đến Montmartre, Paris tuyên khấn; lời khấn này đã liên kết các thành viên trong lòng ước ao đi theo Đức Ki-tô và loan báo Tin Mừng trong sự khó nghèo.

Trong viễn tượng phục vụ, lòng sùng kính của thánh I-nhã đã hướng về Đức Trinh Nữ của mầu nhiệm Truyền Tin: Đức Maria, “đầy ơn sủng”, bởi vì Mẹ đã từ bỏ chính mình trong sự nghèo khó; Mẹ hoàn toàn sẵn sàng đón nhận những gì sẽ xẩy ra, bởi vì một cách khiêm tốn Mẹ muốn mình trở thành nữ tì của Đức Chúa. Trong bài chiêm niệm mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta được mời gọi nhìn những gì Đức Mẹ đã làm: “Đức Mẹ hạ mình khiêm nhường và tạ ơn Thiên Chúa.” (Linh Thao 108). Nghĩa là Mẹ chờ đợi mọi sự từ Thiên Chúa trong tâm tình sẵn sàng của người nữ tì và Mẹ qui về Thiên Chúa điều đã xẩy ra cho mình ngang qua lời ca tụng Magnificat.
Điều đặc trưng cho tinh thần phục vụ và người tôi tớ, chính là tâm tình sẵn sàng, hay sự ứng trực. Ứng trực là sẵn sàng nhận sứ mạng của mình từ một người khác, và cũng sẵn sàng bỏ lại để đi nơi khác, mà không hề ấm ức, gắn bó, trong sự khó nghèo tinh thần.

Vì người tôi tớ không phải là chủ nhân của việc phục vụ mình thực hiện. Đó cũng là lưu lại ở vị trí của mình trong sự khiêm tốn trọn vẹn, không cao hơn và cũng không thấp hơn, ở chỗ mà mình được đặt vào. Cuối cùng, đó là giữ cho mình được tự do đối với lòng ham muốn sở hữu và ham muốn quyền bính, để làm cho mình luôn sẵn sàng được sai đi.

Nên đọc và cầu nguyện
– Is 52, 13 – 53, 12
– Phl 2, 6-11
– Lc 1, 26-56
– Lc 12, 35-48

(Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ)

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

9 + two =