Noi chuyen

Tác giả: German Arana, SJ
Tóm dịch: Eli Thành, SJ

Đối với I-nhã, hai người ‘nói chuyện với nhau’ khi quen biết và có thể tâm tình với nhau một cách dễ dàng. Như vậy, theo lời chỉ dẫn của ngài, các ứng sinh khi vào nhà tập, không chỉ chia sẻ một mái nhà, mà còn bắt đầu ‘nói chuyện’ và sống chung với các tu sĩ khác trong mái nhà đó; tức là tiếp xúc với họ một cách thân mật như anh em.

Theo vết chân Đức Giê-su phục sinh, Đấng đã từng hiện ra với các môn đệ và ‘nói chuyện’ với họ, I-nhã có một cách rất đặc biệt khi nói chuyện với người tha nhân, và ngài mong rằng các Giê-su hữu học được nghệ thuật ‘nói chuyện thiêng liêng’ nầy.

‘Nói chuyện thiêng liêng’ không có nghĩa là nói chuyện về những gì thuộc về tinh thần và đức tin mà thôi. Đức Giê-su giúp người ta về mọi phương diện, tinh thần lẫn thể xác, mang Tin Mừng Nước Trời cũng như chữa bệnh hay cho họ ăn. Khi gặp bất cứ người nào, I-nhã cũng mong muốn giúp người đó tùy nhu cầu và ơn gọi của họ. Những người chúng ta gặp khi tiếp chuyện cũng có nhu cầu và ước muốn khác nhau: người này có thể cần tìm ý nghĩa cho cuộc sống, người khác cần có nghị lực để chịu đựng một nghịch cảnh hay cần được xoa dịu một vết thương lòng, người kia cần niềm hy vọng trong cơn bệnh hay lúc thất nghiệp. Vì lý do đó chúng ta nên chú trọng đặc biệt đến những anh em đang gặp khó khăn.

I-nhã không bao giờ quên tầm quan trọng của việc giáo dục và truyền bá Tin Mừng, tuy nhiên I-nhã chú ý đến vị trí đặc biệt của việc ‘nói chuyện với tha nhân’ trong các sinh hoạt tông đồ Dòng Tên, tức là khi trực tiếp gặp gỡ người ta. Ngài làm như vậy vì hai lý do: a) chỉ lúc đó chúng ta mới có thể áp dụng Tin Mừng cho mỗi người, cho mỗi hoàn cảnh và b) tính cách linh động, uyển chuyển của lời nói. Thật vậy, giúp đỡ người ta bằng cách ‘nói chuyện’ rất hữu hiệu, và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, một cách bất ngờ. Hơn nữa, khi tiếp chuyện riêng với một người, chúng ta có thể thực sự hòa hợp với khả năng, tâm tình và nhu cầu của người đó. Nếu mình biết thích nghi một cách linh động, đây là một cách làm việc tông đồ rất phong phú và uyển chuyển.

Ảnh hưởng sâu xa khi nói chuyện thiêng liêng với người ta. Theo I-nhã, nói chuyện với người ta là ‘cửa vào’ có tính cách ‘mở đường’ và cũng là ‘đỉnh điểm’, là cơ hội ‘đi sâu’ vào tâm tình của một người. Tùy từng trường hợp.

Khi gặp một người lần đầu tiên, cuộc nói chuyện là ‘cửa vào’, là lối duy nhất dẫn đến thế giới của người đó, giúp chúng ta hiểu biết và đồng cảm với người đó. Những cuộc gặp gỡ đầu tiên này cũng có mục đích khuyên bảo: tức là nói một lời thích hợp để giúp người ta vượt qua một thành kiến, tạo ra thiện chí, hay dọn đường cho một sinh hoạt hay bước đi rất hữu ích: đề nghị họ tham gia vào một khóa Linh thao, ghi tên vào lớp dự bị hôn nhân, vào một nhóm phục vụ hay chia sẻ Lời Chúa.

Trong kinh nghiệm của I-nhã, trước khi Phê-rô Favre và Phanxicô Xavier làm tháng Linh Thao và nhờ ơn Chúa được biến đổi tận gốc, I-nhã đã chuẩn bị cho các ngài suốt nhiều tháng trời bằng cách nói chuyện riêng với họ. Mãi đến hôm nay, bước đầu của nhiều sinh hoạt giúp biến đổi sâu xa như tháng Linh Thao, thời gian làm ứng sinh, tìm hiểu đời tu hay lãnh nhận các bí tích, vẫn là những cuộc nói chuyện thiêng liêng. Khi nói chuyện riêng, người đó mới nhận thấy rằng đây là sinh hoạt thích hợp với ước muốn sâu xa của mình.

Nói chuyện là ‘đỉnh điểm’. Khi một người đã tiến xa trong tình thân mật với Thiên Chúa và sẵn sàng định hướng lại cuộc sống, một cuộc gặp gỡ riêng có thể giúp họ nhận định lời mời gọi của Chúa. Cuộc nói chuyện sẽ biến thành một cuộc ‘đồng hành thiêng liêng’.

Đây là hai khía cạnh chính của những cuộc nói chuyện với tha nhân theo I-nhã: là bước đầu tiên để mang Tin Mừng cho người mình đang nói chuyện với họ. Nói chuyện là một cử chỉ tế nhị và yêu mến để hai người đồng cảm với nhau; đây là điều kiện cần thiết để người đó nhận ra một Tin Mừng thích hợp với mình, bởi vì trong cuộc gặp gỡ này chẳng có mục đích nào khác ngoài ích lợi của họ.

Nếu họ còn tiếp tục gặp nhau, một cách thường xuyên, thì những cuộc nói chuyện sẽ nhằm một mục đích sâu xa hơn; đó là tìm hiểu lời mời gọi của Chúa, và từ từ có thể giúp họ định hướng cuộc sống theo ơn gọi riêng. Trong những cuộc trò chuyện đó, chúng ta là người trung gian giữa Thiên Chúa và người mà ta đang nói chuyện, trong một giai đoạn quan trọng. Khi tiếp thu lời mời gọi đó một cách chân thành và xác tín thì nó biến thành một lập trường mà người đó tự do lựa chọn. Vai trò làm trung gian giữa Thiên Chúa và người mà ta đang nói chuyện rất cần thiết lúc khởi đầu của cuộc trò chuyện, nhưng từ từ có lẽ sẽ không còn cần thiết nữa. Những cuộc nói chuyện đã giúp họ nhận ra ước muốn sâu xa và định hướng cuộc sống theo ước muốn đó. Mối tương quan với Đức Ki-tô đã biến thành một mối tình và là tâm điểm cuộc đời của người đó; đây là một mối tình quý hơn tất cả các mối tình khác trên mặt đất nầy.

Những cuộc gặp gỡ riêng này có một giá trị đặc biệt đối với con người ngày nay. Họ là những người được lớn lên từ các gia đình và bầu khí xã hội thiếu các giá trị nền tảng và sự chăm sóc đầy đủ về tình cảm nên sẽ có một nội tâm trống rỗng và điều này sẽ làm cho họ rất dễ bị tổn thương. Các sinh hoạt nhóm, đoàn thể có thể giúp khỏa lấp phần nào nỗi trống vắng nội tâm đó nhưng không đủ. Những cuộc gặp gỡ cá nhân, riêng tư, chỉ vì lợi ích của họ như I-nhã trình bày, mới mong lấp đầy được nội tâm trống rỗng đó.

Có một điều đáng chú ý là những cuộc nói chuyện thiêng liêng như vậy thật quý báu nhưng lại rất hiếm có. Trong bao nhiêu cuộc gặp gỡ hàng ngày, thử hỏi có mấy cuộc trao đổi sâu xa, có Thiên Chúa hiện diện. Tại sao? Thật khó mà xác định rõ tại sao. Nhưng có lẽ một trong những lý do là vì những giới hạn nơi những người chúng ta gặp, hay là vì những người chúng ta gặp chưa sẵn sàng chia sẻ sâu xa.

Ước chi trong bất cứ cuộc gặp gỡ nào, dù thường xuyên và hằng ngày cũng như nhất thời và tình cờ, chúng ta luôn biết nhìn mọi người như những tác phẩm quý báu của Thiên Chúa. Có lẽ họ đang cần nơi chúng ta một chút thông cảm, một tấm lòng biết nghe, một lời an ủi hay khuyến khích. Ước chi khi gặp người ta trong bệnh viện hay ngồi cạnh bên trên xe đò, khi gặp một người ăn xin nào đó hay một vị bề trên, một người bạn thân, một người học trò hay là một giáo sư, khi gặp một người giáo dân hay tu sĩ, chúng ta đều biết gặp gỡ và nói chuyện với họ một cách ngay thẳng, thành thật, với lòng tôn trọng và quý mến.

 

Những hướng dẫn nói chuyện theo I-nhã

Tìm ích lợi của anh em. Đây là một mục đích tối hậu. Tức là I-nhã chỉ mong muốn giúp người ta lớn lên, trưởng thành và tự lập. Các lời chỉ dẫn và quy tắc nói chuyện không bao giờ có tính cách ‘ma giáo’, ‘lèo lái’, ‘lấy lòng để lợi dụng’. Ngược lại, I-nhã mong muốn rằng mỗi cuộc nói chuyện mang ích lợi thiêng liêng cho người ta, và chúng ta là dụng cụ trong bàn tay Chúa để Thần Khí hiện diện trong mỗi cuộc gặp gỡ. Chắc chắn chúng ta cần Thần Khí hiện diện và hoạt động bởi vì mỗi người là một mầu nhiệm mà chúng ta quý mến và phó thác cho Thiên Chúa. Rút cuộc, chỉ có Thiên Chúa mới cứu độ và ban sự sống cho chúng ta.

Muốn cuộc nói chuyện với người ta mang ích lợi cho họ, chúng ta cần khả năng nghe và khả năng nói. Để được như thế, chúng ta cần học hỏi và được rèn luyện. Đây không phải là một cuộc nói chuyện tự phát, theo cảm hứng và tài hoạt bát. Muốn có sức khỏe dồi dào hơn thì chúng ta sẽ tập thể thao, chấp nhận được huấn luyện và sẵn sàng chịu khó. Ai muốn học được nghệ thuật nói chuyện cũng cần học hỏi và thực tập theomột kỷ luật và phương pháp nhất định. Thế nhưng, đây không phải là một kỷ luật gò bó, nặng nhọc, có tính cách áp đặt. Ngược lại, chúng ta được rèn luyện để biết nghe và nói một cách thoải mái và tự nhiên.

Biết làm chủ chính mình là kết quả của một tâm hồn tự do, chỉ mong ích lợi của người ta; một tâm hồn ‘bình tâm’ vì mình không nhằm mục đích nào khác ngoài ích lợi người ta. Tức là, mình không bị ràng buộc bởi bất cứ thành kiến hay sở thích riêng; không tùy thuộc vào ý tưởng và suy luận riêng thường mình hay nhắc đi nhắc lại. Ai nói dài dòng,nhắc hoài những suy tư riêng, theo I-nhã, là không biết nói chuyện với người ta, không giúp người khác qua các cuộc nói chuyện, mà chỉ luẩn quẩn trong thế giới riêng mình mãi. Kẻ nói chuyện dài dòng nhiều khi đề cao cái ‘tôi’, vun trồng những sở thích riêng, bênh vực lập trường của mình và lệ thuộc cảm xúc cũng như ý tưởng của riêng mình.

Được huấn luyện về nói chuyện nghĩa là chúng ta cần phải trải qua một cuộc hoán cải tâm lý và tinh thần để đồng cảm được với người khác. Những ai học được thế nào là từ bỏ chính mình thì họ sẽ có được một mức độ tự do mới. Tức là, họ không còn quan tâm đến chính mình và chỉ xử dụng kiến thức và kinh nghiệm bản thân để giúp đỡ người khác. Đương nhiên, biết nghe và nói như vậy không làm suy yếu đi những lập trường và cảm tính riêng đến độ có thể phản bội căn tính và lời cam kết của mình. Ai biết nghe và nói chuyện như vậy sẽ xử dụng kho tàng nội tâm của mình để mưu ích lợi cho tha nhân theo ơn gọi và kế hoạch Thiên Chúa dành cho họ. Làm như vậy chúng ta hoàn toàn hướng về người khác và sẵn sàng xử dụng kho tàng trí tuệ và tình cảm của mình để giúp đỡ họ. Đây cũng là hoa quả của ơn gọi chúng ta, đó là mến yêu và phục vụ, là sống để người khác được thêm sức sống, không tự hào vì tài năng và thành công riêng. Biết nghe và nói chuyện như vậy, chúng ta không lệ thuộc, cũng chẳng phí nghị lực và lời nói để kể lể và đề cao ‘kỳ công’ của cái ‘tôi’.

Nếu nhờ tác động của Chúa tôi đã được thực sự giải thoát ra khỏi cái ‘tôi’ của mình, thì ân huệ đó sẽ được biểu lộ ra trong khả năng quên mình, đồng cảm và liên đới với người khác, là những người chúng ta tôn trọng và mến yêu trong Đức Ki-tô là nguồn sống của chúng ta và của họ. Nói nôm na, tình yêu đích thực được biểu lộ ra trong các mối tương quan và qua cách nói chuyện với tha nhân. Cuộc nói chuyện sẽ mang ích lợi cho người ta đang nói chuyện khi chúng ta lu mờ đi và chỉ mong muốn người kia lớn lên. Từ bỏ cái ‘tôi’, hơn là chịu đựng những vất vả khi làm việc tông đồ, mới là việc hãm mình đích thực của các Giê-su hữu. Những Giê-su hữu biết hãm mình, khi tiếp xức với người ta một cách tình cờ hoặc theo những cuộc hẹn lâu dài, trong mọi trường hợp, sẽ luôn luôn chỉ tìm kiếm những gì thích hợp với ích lợi lâu dài của người họ đang giúp.

Nên nói chuyn như thế nào?Trong những lời chỉ dẵn căn bản của I-nhã, các lời căn dặn thực tế và mới lạ nhất có liên quan với sự đồng cảm. Ngày nay các nhà tâm lý đề cao thái độ đồng cảm như nền tảng của các mối tương thân tương ái giữa người với người. Vậy mà, hơn bốn trăm năm trước, I-nhã đã chỉ cho chúng ta một cách đơn sơ và sáng suốt đường dẫn vào trái tim của người đối diện.

Đây không phải là hoa trái của một lý thuyết được ứng dụng với ít nhiều sự khéo léo, mà là kết quả kinh nghiệm bản thân của ngài, là một người xuất sắc khi nói chuyện với người ta. Chúng ta có thể nói rằng trong những lời hướng dẫn này I-nhã đang mô tả cách ngài nói chuyện với người ta. Đây không phải là những phương cách khéo léo để quyến rũ và thuyết phục đầu óc và trái tim của họ. Cũng không phải là cách thức nhường nhịn trước mặt người ta để tránh mọi xung đột hay thách đố hoặc lối chấm dứt một cách nhanh chóng những cuộc gặp gỡ nặng nhọc khó chịu.

Yêu mến nhng ai mình đang gp. Tình yêu luôn luôn ‘cứu độ’ người ta. Qua mối liên hệ tình yêu, tức là lòng mong muốn ích lợi của họ, chúng ta mới có thể truyền sang họ những ý tưởng và cảm xúc giúp họ trưởng thành. Đối với I-nhã đây là điều kiện tâm lý đầu tiên để nói chuyện thiêng liêng có kết quả. Trước khi mở ra thế giới nội tâm cho người khác, ai ai cũng muốn cảm nhận rằng người đối diện rất quan tâm đến mình. Tôi sẽ trao đổi về thế giới nội tâm nếu tôi tin tưởng người đang nghe mình. Ngưỡng cửa dẫn đến sự cảm thông sâu xa là một linh cảm về người đang lắng nghe và nhìn tôi như một mầu nhiệm bén rễ sâu vào kế hoạch và lời mời gọi Thiên Chúa dành cho mỗi người.

Nói ít, hài lòng lắng nghe hồi lâu. Tôi cần biết nghe, biết chú ý thì mới cảm nhận và hiểu biết được những ý tưởng, cảm tình và ước muốn của người đang nói. Theo I-nhã, đây là nguyên tắc vàng khi nói chuyện. Biết lắng nghe với lòng quý mên, cảm thông và kiên trì là điều kiện cần thiết để hiểu biết và giúp đỡ người ta. Làm như vậy, tôi sẽ nhận thấy mình có nên phát biểu một lời đáp lại hay nên tiếp tục giữ im lặng. Trong các cuộc trao đổi có lúc tôi im lặng, lúc khác tôi nói một lời, nhưng luôn luôn chỉ mong muốn ích lợi của người đó. ‘Nghe hồi lâu và hài lòng’. Không phải là ‘chịu khó nghe’ người đang nói dài dòng, cũng không phải là chiến thuật của kẻ bán hàng trong siêu thị làm bộ vui vẻ đón tiếp người ta, hoặc của luật sư trong tòa án vừa im lặng vừa suy nghĩ cách đáp trả và cãi lại bên kia, hoặc của kẻ kiên nhẫn nghe vì người ta đã trả một số tiền lớn để thuê người ấy nghe trong một khoảng thời gian nào đó như nơi các phòng tư vấn tâm lý. ‘Hài lòng nghe’, tức là nghe và lấy làm thích thú; nghe một cách tận tâm, cách nhưng không, không tính toán thời gian; càng nghe càng chú ý, càng mến thương; lắng nghe hết lòng để mở đường hy vọng cho họ; lắng nghe, tức là chú trọng đến những tâm tình sâu xa có thể nẩy nở trong tận đáy lòng của mỗi người, nơi Thiên Chúa ban cho chúng ta thêm sức sống, tình yêu và tự do.

Nói chuyện và nhận định. Đối với I-nhã, trong các khóa Linh Thao chúng ta nhận định các tác động của Chúa như thế nào, thì khi nói chuyện cũng nên làm như vậy. Ngài nhắc lại hai nguyên tắc:

a) Phương pháp tổng quát khi nói chuyện với người ta là “đi vào theo ý của họ, nhưng đi ra theo ý của ta”, như thánh Phao-lô nói: “Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người” (1 Cor 9,22). Mục đích này rất rõ: đồng cảm để xiết chặt thêm mối liên hệ và giúp đỡ họ theo Phúc Âm. Đây không phải là một kiểu đồng cảm theo ước muốn eo hẹp của chính người đó, mà để mưu ích lợi lâu dài theo ý Thiên Chúa. Theo ích lợi lâu dài họ có thể cần điều chỉnh lại các tình cảm, lối suy nghĩ và kế hoạch sống.

Nhưng sự biến đổi này sẽ không xảy ra nếu họ không tin rằng: ‘làm như vậy sẽ mang ích lợi lâu dài cho họ’, và ngay từ ban đầu họ không cảm thấy được quý mến và thông cảm. Phải chăng đường lối sư phạm này được áp dụng trong phạm vi tâm lý cũng là cách Ngôi Lời nhập thể dùng để cứu chuộc chúng ta? “Nihil salvus nisi asumptus” có nghĩa là “không có gì được cứu chuộc bao lâu không được chấp thuận”.

Mặt khác, đây không phải là một cách lèo lái người ta để lợi dụng họ theo ích lợi và mục đích của mình. Một sự ‘lèo lái’ lệch lạc đã từng xảy ra ngay trong các mối tương quan tông đồ. I-nhã chỉ mong muốn giúp họ nhận định thánh ý Chúa mà thôi. Thánh ý Chúa và ơn gọi Người dành cho họ sẽ hiện ra qua ý muốn sâu xa và tự do của họ.

b)Tâm hồn được an ủi hay sầu khổ thiêng liêng. Khi áp dụng các quy tắc phân biệt thần loại cho các cuộc nói chuyện, chúng ta chú ý đến ‘bầu khí’ an ủi hay sầu khổ. Khi họ đang có tâm trạng sầu khổ, theo I-nhã chúng ta nên dùng nhiều tâm tình tế nhị, gần gũi, vui tươi, tận tâm và khuyến khích. Lúc họ đang được an ủi, chúng ta có thể đối xử với họ một cách ngắn gọn và tóm tắt hơn. Một điều đáng chú ý là: để làm được như vậy chúng ta cần phải trải qua những biến đổi sâu xa về tình cảm của chính mình. Đây là một trái tim vô vị lợi và quảng đại, biết nghe và đón tiếp mọi người với những tâm tình thích hợp nhất với từng người, chứ không theo sở thích và xu hướng tự nhiên của chính mình. Khi đồng cảm với kẻ đang sầu khổ, tức là khi họ chẳng rung động với mầu nhiệm Thiên Chúa, chúng ta cảm thương và cố găng truyền đến họ một niềm tin. Bởi vì tình trạng thiếu đức tin này là cơ hội thuận tiện để họ được thanh tẩy và trưởng thành trong mối tương quan với Thiên Chúa hằng sống. Chúng ta đồng hành với họ với một tâm hồn tràn đầy niềm hy vọng, chứ không bị lôi cuốn bởi các tâm tình khô khăn, nguội lạnh của họ.

Còn khi nói chuyện với người đang được an ủi thiêng liêng, nghĩa là những người đang hưởng những tác động của Thần Khí dẫn họ đến tình yêu Chúa và đời sống theo Phúc Âm, thì chúng ta chỉ cần có những đóng góp ngắn gọn và tóm tắt mà thôi. Một đóng góp dồi dào và hăng hái của mình lúc nầy có thể làm cho họ chia trí, sao lãng đối với nguồn suối diệu kỳ của niềm an ủi và là cùng đích của họ: Thiên Chúa.

Những quy tắc về thái độ ‘ngắn gọn’ thuộc về “bí quyết” nói chuyện của I-nhã, khác hẳn với hình ảnh của một I-nhã quyến rũ và độc tài! Theo cha Goncalves da Camara kể, I-nhã nói chuyện một cách nhẹ nhàng và ngắn gọn. Ngài không chịu được những người cứ nằng nặc khẳng định ý kiến của mình một cách độc đoán về mọi chuyện trên trời, dưới đất, hiện tại và tương lai. Thật đáng lấy làm lạ, I-nhã thường không đùa giỡn hay chơi chữ, thế mà khi nhắc đến những người như vậy ngài đã gọi họ là “các lò nghị quyết” (decretistas). Những ai cứ lớn tiếng khẳng định rằng phát biểu của mình là đáp án duy nhất về điều nầy hay điều nọ, ngài gọi họ là ‘lò nghị quyết’ và luôn tìm cách giúp họ sửa sai. Theo ngài những ai ‘quyết đoán’ như vậy là quá tự tin, tự phụ. Những lời khẳng định độc đoán đó chẳng giúp gì ai, bởi vì, hoăc thính giả chấp nhận những lời ấy mà chẳng suy xét gì, hay thính giả sẽ tranh luận về nó, khi đó các quyết đoán ấy chỉ làm cớ cho người ta cãi nhau mà thôi.

Cách nói chuyện “ngắn gọn” của I-nhã bắt nguồn từ hai lý do: 1) Nói dài dòng không hữu hiệu. Lập trường và những gì chúng ta tin tưởng chắc chắn soi sáng chúng ta trên đường đời. Những tín điều và nguyên tắc sống đó bắt nguồn từ những kinh nghiệm sống và lựa chọn tự do của mỗi người. Muốn giúp người ta có lập trường phong phú hơn, chúng ta chỉ có thể gợi ý những gì họ có thể hấp thụ, và những lẽ sống tựa vào các kinh nghiệm của họ.

2) Lý do thứ hai có liên hệ với cách con người hiểu biết và với quan niệm về bộ giáo lý công giáo. Trong giáo lý chỉ có một số ít tín điều then chốt. Mặt khác, khi một người độc đoán xác định một tín điều, thường gây nên thắc mắc dễ đưa đến những vụ cãi nhau mất thì giờ và lạc đề. Nói chuyện với người ta theo I-nhã, kể cả những cuộc nói chuyện thường ngày, hai bên trao đổi ý kiến và tâm tình dựa vào những căn bản đơn sơ và vững chắc. Tức là nhằm mục đích giúp người ta chú ý đến những gì thật căn bản. Lý luận một cách tỉ mỉ về những chi tiết phụ, làm mất thì giờ và phí sức vô ích bởi vì thay vì minh chứng và mở rộng thêm sự thật, những ý tưởng đó chỉ củng cố cái ‘tôi’ của chúng ta.

Tuy nhiên, người nói chuyện theo I-nhã không thiếu lập trường, không bay lượn theo bất cứ lý thuyết nào đó, nhưng bước theo Đức Ki-tô và bén rễ sâu trong truyền thống của Giáo Hội, trong những tín điều căn bản của Hội Thánh. Chính vì lý do đó, khi cần trình bày lập trường giáo lý của mình, người đó nói đúng lúc đúng cách, luôn luôn khiêm nhường, như kẻ đang biểu lộ những gì chính mình đã được ban tặng, những gì không thuộc về mình mà là do Đức Ki-tô mặc khải về Thiên Chúa, là gia tài của mọi người mà Giáo Hội phải bảo vệ.

Cuối cùng, trong một tài liệu ngài viết sau nầy, thánh I-nhã nhấn mạnh đến s khôn ngoan, cn thn và gii hn nên có khi nói chuyn vi mt sngười,trong những nơi và lúc thuận tiện. Dù cách nói khá cổ xưa, nhưng chúng ta không thể loại bỏ những lời hướng dẫn này. Nhiều vị tông đồ tốt đã đánh mất mọi sự vì cách tương quan và lối trò chuyện bất cẩncủa họ. Các Giê-su hữu sẵn sàng tiếp xúc với bất cứ người nào và là khí cụ của Thiên Chúa đến với mọi người: với người trẻ hay là giáo sư, với chuyên viên hay là công nhân, với phụ nữ quý phái hay bình dân. Vì vậy họ cần thái độ cẩn thận và khôn ngoan, nhất là khi họ sẵn sàng bàn luận về bất cứ đề tài nào. Ngoài ra, họ cần khôn ngoan và cẩn thận vì họ là tu sĩ, nghĩa là luôn luôn cần làm gương cho mọi người.

Vì là tu sĩ, họ sẽ tránh dành nhiều thì giờ cho những mối tương quan mà họ thích thú, có thể làm cho họ quên rằng mình đang đi tìm ích lợi cho người họ gặp gỡ mà thôi. Cũng vì lý do làm gương, tu sĩ nên tránh gây cớ để người khác hiểu lầm dù trong cuộc trò chuyện chẳng ai trong hai bên có ý xấu. Một gương xấu, dù chỉ là vì một hiểu lầm thôi, làm mất uy tín mà các tu sĩ cần để thực thi sứ mệnh Thiên Chúa giao phó.

Kết lun: Hoán ci đ nói chuyn

Trong tiếng Tây Ban Nha, ‘nói chuyện’ và ‘hoán cải’ có cùng một gốc , (‘conversar’,‘convertir’). Thực sự, theo ý nghĩa sâu xa của ‘nói chuyện’, khi tiếp xúc thân mật với ai và đi vào mầu nhiệm của họ, chúng ta sẽ được biến đổi không nhiều thì ít. Tức là, chúng ta ra khỏi thế giới riêng của mình, vượt qua những rào cản, những cơ chế phòng thủ, chỉ mong mình có thể phục vụ họ với khí cụ nhẹ nhàng, gần gũi và thông thường nhất: là ‘lời nói’.

Muốn biết nói chuyện, chúng ta cần từ bỏ chính mình một cách sâu xa và liên tục. Đối với các Giê-su hữu ‘nói chuyện thiêng liêng’ thuộc về căn tính của mình, vì lý do đó chúng ta cần thường xuyên canh tân, luôn luôn tìm ích lợi của những người mà chúng ta gặp hằng ngày. Trong những mối tương quan gần gũi nhất, chúng ta biểu lộ ra con người thật và lòng bác ái của mình. Người tông đồ không phải để phục vụ những con người trừu tượng và vô danh. Người tông đồ biến thành người thân cận của những người anh em mình đang gặp và quan tâm đến đời sống của họ, mong có dịp gửi đến họ một lời xây dựng.

Ước chi các quy tắc của thánh I-nhã soi sáng những cuộc gặp gỡ tình cờ, những cuộc nói chuyện đã hẹn trước, và cảnhững lúc chúng ta xuất hiện trước đám đông, để mỗi khán giả có thể nhận ra trong lời nói của chúng ta một chút ánh sáng và niềm hy vọng cho lònghọ.

Đây là bản dịch tự do và ngắn gọn của Eli Thành, theo bản văn: “La conversacion espiritual en el carisma Ignaciano” del P.German Arana sj, Revista de Espiritualidad Ignaciana, XXXVI,1, 2005. Num. 108. Roma.

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

One Response to Nói chuyện Thiêng Liêng

  1. Quách Thị Minh Trang says:

    Không biết dùng cách này con có thể tâm sự với một ai đó được không?

Leave a Reply

Your email address will not be published.

11 − 4 =