Theo suy nghĩ và kinh nghiệm của chúng ta, chúng tôi thấy nên tổ chức việc cầu nguyện trong tĩnh tâm thành những chu kỳ 6 nhịp: hướng dẫn, suy niệm, chia sẻ, chiêm niệm, nhận định và nghỉ ngơi.

1. Hướng dẫn

a. Chỉ dẫn:

1) Chỉ đường chứ không đi thay.

  • Hướng dẫn là chỉ đường để đến nơi định đến, hướng phải đi, những chỗ phải qua chứ không đi thay. Trong phần hướng dẫn, chúng tôi chỉ nêu ra ơn phải xin, những điểm phải suy chiêm, những câu Kinh Thánh nên nghiền ngẫm để đạt được ơn xin, chứ không cầu nguyện thay,
    suy chiêm giúp.
  • Thường thường những hướng dẫn này đã được trình bày thành những dàn bài trao sẵn cho người tĩnh tâm. Vì thế, trong thi hành, nhịp này không có. Những gì cần bổ túc cho thích hợp với hoàn cảnh thực tế thì chỉ cần khoảng 5 đến 10 phút.

2) Tại sao?

  • LT2: Người trình bày cho người khác một cách thức hay một dàn bài để suy gẫm hay chiêm niệm, phải kể một cách trung thành sự kiện để chiêm niệm hay suy gẫm, chỉ giải thích sơ lược và vắn tắt từng điểm. Vì nếu khởi từ một căn bản lịch sử xác thực, người chiêm niệm tự mình
    suy nghĩ và lý luận mà gặp được điều gì giải thích hay giúp “cảm” sự kiện lịch sử ấy, hoặc nhờ tư duy hay nhờ ơn
    Chúa soi sáng tâm trí, họ sẽ thấy ý vị hơn và thu đạt kết qủa thiêng liêng nhiều hơn là được người hướng dẫn diễn giải nhiều về nội dung sự kiện. Bởi vì không phải sự biết nhiều, nhưng chính sự cảm nếm bề trong mới làm thỏa mãn linh hồn.

Hãy tự mình ăn trái

Ngày nọ, một đệ tử phàn nàn cùng Minh Sư: Thưa thầy, thầy thường kể cho chúng con nghe rất nhiều câu chuyện, nhưng chả bao giờ thầy giải thích ý nghĩa của các câu chuyện đó.
Minh Sư hỏi vặn lại:
Nếu có ai cho con một trái cây, con có muốn người đó nhai trái cây ấy, rồi mới mớm cho con không?
Không ai có thể thay thế bạn để tìm hiểu ý nghĩa của bất cứ sự vật gì đối với chính bạn. Không ai cả, kể cả minh sư.

AM.M: Như tiếng chim hót, tr.11.

  • Bản thân tôi để người cầu nguyện tiếp xúc với Thánh Thần.

b. Câu hỏi giúp đào sâu

  1. Mục đích của việc hướng dẫn là gì?
  2. Người hướng dẫn phải làm điều gì và phải tránh
    điều gì?
  3. Tại sao phải như thế?

2. Suy niệm

a. Chỉ dẫn

1) Suy niệm có mục đích tiếp lấy những điều Thánh Thần chỉ ra qua các tác động, để chia sẻ và nhất là để chiêm niệm. Để đạt được mục đích trên, người cầu nguyện dùng dàn bài người hướng dẫn cho sẵn, nghiền ngẫm để hiểu cho sâu, cảm cho thấu ơn xin của bài suy chiêm; sau đó nghiền ngẫm từng câu Kinh Thánh ở từng điều theo hướng của ơn xin để cầu xin Chúa ban cho mình ơn xin của bài. Tài năng được vận dụng trong phần này chính yếu là trí năng (trí khôn) nhưng trí năng được vận dụng theo hướng mở ra với chỉ dẫn của Thánh Thần chứ không khép lại với chính mình, cậy dựa vào các ơn của Thánh Thần chứ không ỷ vào tài năng của bản thân. Người nào quen vận dụng trí khôn, say mê suy tư, quen thuộc với khoa chú giải thì phải coi chừng đừng biến giờ suy niệm thành giờ suy tư hay giờ chú giải.

Để tránh nguy cơ này, họ có thể áp dụng phương pháp suy chiêm theo 3 bước: Đọc kỹ, Suy sâu và Nguyện cầu. Mỗi câu Kinh Thánh đem suy niệm phải được đọc đi đọc lại cho thấm sâu. Sau đó nói lại câu ấy theo cách nói quen thuộc của mình. Cuối cùng mới nói lại câu ấy theo phản ứng của mình. Đó chính là đọc kỹ.

Muốn suy sâu thì trước hết phải nhận rõ điều câu ấy nói, đích câu ấy muốn nhắm, ý nghĩa câu ấy muốn truyền đạt. Khi đã hiểu ý nghĩa rồi mới lắng nghe Chúa muốn dạy ta hiểu điều gì, Chúa muốn bảo ta làm gì.

Sau khi đã suy sâu thì nguyện cầu. Nhận ra điều Chúa dạy bảo, hãy thưa chuyện với Chúa như con thưa cùng Cha, như môn đệ thưa cùng Thầy.

Ghi lại: Sau khi suy niệm, nên ghi lại những điểm được tác động để chia sẻ và nhất là để chiêm niệm. Đừng ghi dài, trái lại phải ghi vắn tắt và rõ ràng hết sức.

2) Vận dụng kinh nghiệm

Nếu đã có được một cách nguyện ngắm hiệu quả, một cách suy gẫm biến đổi thì tìm cách vận dụng các kinh nghiệm quý báu của mình vào giờ suy niệm này.

b. Câu hỏi giúp đào sâu

Sau đây là những câu hỏi giúp suy nghĩ, đào sâu, chia sẻ để nắm vững phương pháp suy niệm.

– Muốn nắm vững phương pháp suy niệm, phải hiểu đúng hiểu sâu những điều nào?
– Suy niệm được trình bày ở đây giống và khác việc nguyện ngắm, suy gẫm mình vẫn làm ở chỗ nào?
– Phải suy niệm thế nào trong chu kỳ cầu nguyện?
– Tại sao chu kỳ cầu nguyện có phần này? Có phần này đem lại những lợi ích nào? Nếu bỏ phần này đi thì chu kỳ cầu nguyện sẽ ra sao? Phần này có những giới hạn nào?
– Phải vận dụng phần này thế nào mới lợi ích?

3. Chia sẻ

a. Chỉ dẫn

1) Chia sẻ có mục đích giúp người tĩnh tâm tiếp nhận thêm những điểm cần chiêm niệm mà Thánh Thần tiếp tục chỉ ra bằng cách tác động những người cùng tĩnh tâm và giúp họ thông chia cho nhau những điểm họ được tác động. Muốn tiến hành việc chia sẻ, người hướng dẫn và người tĩnh tâm phải đóng vai trò của mình.

2) Người hướng dẫn

Người hướng dẫn đóng vai trò người điều động và vai trò người hướng dẫn.

  • Ở vai trò điều động, người hướng dẫn điều hành và làm cho sinh động bằng những câu hỏi và tóm tắt. Những câu hỏi phải thích hợp với trình độ và tâm lý người tham dự. Câu hỏi phải giúp người tham dự cởi mở mà thông chia cũng như thông chia cởi mở chứ đừng khép kín đề phòng. Muốn như thế thì câu hỏi không được mang tính cách khảo bài hay hạch hỏi cật vấn. Đây là điều tương đối khó thực hiện. Câu hỏi cũng phải được sắp xếp thế nào để việc chia sẻ càng lúc càng giúp nhìn vấn đề rõ hơn, sâu hơn, cảm nghiệm càng lúc càng mãnh liệt hơn. Thỉnh thoảng người điều động cũng nên tóm tắt những điều đã chia sẻ để giúp nhóm thấy rõ việc chia sẻ đã tiến tới đâu.
  • Người hướng dẫn còn phải đứng vai trò hướng dẫn. Ở vai trò này, họ nên chú ý lắng nghe để có thể làm hai công việc. Trước hết là góp thêm ý kiến nếu thấy nhóm cần thêm ý kiến để việc cầu nguyện tốt hơn. Tiếp đến, họ phải điều chỉnh bài gợi ý cho thích hợp với tình hình cầu nguyện của nhóm: thêm bài này, bớt bài kia, sửa đổi bài nọ.

3) Người tĩnh tâm

  • Trước hết họ phải tích cực thông chia thì mới tiếp nhận được nhiều hoa trái của việc cầu nguyện. Khi cố gắng thông chia trong khiêm tốn, suy nghĩ của họ sẽ sáng sủa hơn, họ sẽ sống đơn sơ hơn và có kinh nghiệm để tiếp nhận những chia sẻ của người khác hơn.
  • Tiếp đến họ phải tập lắng nghe để tiếp lấy tác động của Thánh Thần và luyện nghe thấu cảm. Khi gặp những điểm được đánh động hãy ghi lấy một cách vắn tắt và rõ ràng để chiêm niệm. Gặp những người hoặc những ý kiến khó chấp nhận, hãy tập nghe thấu cảm: thầm nhắc lại ý kiến ấy, rồi nói lại ý kiến ấy bằng cách nói của mình, sau đó mới nói lại với phản ứng của mình. Dựa vào phản ứng của mình mà nhận ra mình là ai.

4) Ghi lại

Cuối cùng tóm tắt những điểm được tác động để đưa vào bài chiêm niệm.

b. Câu hỏi giúp đào sâu

1) Chia sẻ có mục đích nào?

2) Để đạt được mục đích ấy, người tĩnh tâm phải thông chia thế nào và lắng nghe ra sao?

3) Theo bạn, nghe giảng lợi ích cho bạn ở điểm nào bất lợi cho bạn ở điểm nào? Chia sẻ đem lại cho việc tĩnh tâm của bạn những lợi ích nào và những bất lợi nào?

4. Chiêm niệm

a. Chỉ dẫn

1) Mục đích

  • Chiêm niệm có mục đích đào sâu những điểm được tác động trong giờ suy niệm và chia sẻ trước đó sao cho không những hiểu thấu như trong giờ suy niệm mà còn và nhất là cảm sâu đến quyết tâm thực hiện điều đã cảm.

2) Làm sao?

  • Trước hết tập trung các điểm đã được tác động trong các giờ suy niệm và chia sẻ trước đó, rồi hệ thống hóa chúng lại để nhận ra tác động then chốt, hoặc chọn lấy những điểm tác động mạnh hơn cả, cuối cùng sắp xếp chúng thế nào để có thể chiêm niệm mà xin được ơn của bài suy chiêm.
  • Làm lấy bài chiêm niệm xong, hãy dùng tài năng để cảm nếm gọi là cảm năng. Hãy cảm, hãy nếm như khi ta nếm một bài thơ khéo, cảm một bản nhạc hay. Nếu đã có kinh nghiệm nếm cảm cái hay cái đẹp thì hãy dùng kinh nghiệm ấy mà cảm mà nếm. Nếu đã có kinh nghiệm chiêm niệm thì càng hay, đừng bỏ qua kinh nghiệm ấy.

3) Phải nhớ

Người cầu nguyện phải nhớ kỹ, trong nhịp chiêm niệm, họ không đi tìm những điều mới lạ mà đào sâu những gì đã biết để hiểu thấu hơn, cảm sâu hơn gây ra ước muốn thực hiện điều đã chiêm. Người cầu nguyện nên nghiền ngẫm điều thánh Inhaxiô dặn: “Không phải biết nhiều, nhưng chính sự cảm nếm bên trong mới làm thỏa mãn linh hồn” (LT 2).

b. Câu hỏi giúp đào sâu

1) Chiêm niệm khác suy niệm ở chỗ nào?
2) Tách riêng hay gộp chung suy niệm với chiêm niệm, đàng nào ích lợi hơn?
3) Một điều đã được suy niệm, tại sao còn đem chiêm niệm?

5. Nhận định

a. Mục đích

Mục đích của giờ nhận định là tìm cách cầu nguyện theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Muốn đạt mục đích này, cuối chu kỳ cầu nguyện, ta nên để ra 10-15 phút cầu nguyện, để đánh giá kết quả, rồi tìm nguyên nhân để điều chỉnh việc cầu nguyện kịp thời.

b. Kết quả

Lượng giá kết quả theo những kết quả sau:

– Chu kỳ cầu nguyện có đạt được ơn xin không?
– Chu kỳ cầu nguyện có giúp ta đổi lối nhìn về Chúa, về tha nhân, về vũ trụ và về bản thân không? Hoặc ta có cảm thấy gần Chúa và gần anh em, tự do đối với vật chất và với bản thân hơn không?
– Có hy vọng kết quả này kéo dài hơn hay không?
– Có ơn nào đặc biệt trong giờ cầu nguyện hay không?

c. Nguyên nhân

1) Nếu kết quả tốt, hãy duy trì và phát triển cách cầu nguyện đang theo.

2) Nếu kết quả không tốt và nếu phương pháp cầu nguyện vẫn tốt cho đến nay thì kết quả xấu có phải do cách áp dụng phương pháp không cẩn thận hay không? (LT 322)

3) Nếu không do lỗi của ta thì có phải Chúa muốn dạy ta điều gì chăng (LT 322). Trong trường hợp này nên hỏi ý kiến người hướng dẫn.

d. Quyết định

Sau khi đã nhận định thì nên ghi tóm tắt kết quả của việc nhận định.

6. Nghỉ ngơi

Nghỉ ngơi có mục đích lấy lại sức để cầu nguyện tiếp. Nghỉ ngơi là cần thiết, không nên cầu nguyện liên tục trong nhiều tiếng mà không có ý kiến của người hướng dẫn.

Giờ nghỉ kéo dài từ 15’ đến 20’. Có thể dùng giờ này tắm giặt miễn là vẫn duy trì được bầu khí tĩnh tâm.

7. Tóm tắt

Dùng Suy niệm Chia sẻ Chiêm niệm Nhận định
Tài năng nào? Làm gì?Làm thế nào?

 

 

Để làm gì?

Trí năngNghiền ngẫm 

Theo sơ đồ

 

 

Để được tác động

Thông năngThông truyềnTheo điểm tác động

 

Nhận thêm tác động

Cảm năngNếm CảmĐiểm tác động

 

 

Để đào sâu

Trí – CảmPhân địnhXem kết quả tìm nguyên nhân

Để cầu nguyện theo TT.

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

One Response to Bài 2: Chu kỳ Cầu nguyện

  1. Mai Nguyen says:

    Cam on da cho minh bai hoc cau nguyen

Leave a Reply

Your email address will not be published.

six − 3 =