Dành cho Người Hướng Dẫn

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

1.      TLV cầu nguyện theo cách nào ? Cầu nguyện bằng con tim (affectivity) hay cầu nguyện bằng tư tưởng (reflective)?

2.      TLV có biết cầu nguyện với Thánh Kinh không? Họ theo cách riêng của họ? Họ có cần sự giúp đỡ không?

 NHỮNG ĐIỀU CẦN CHIA SẺ VỚI THAO LUYỆN VIÊN

Về Phương Pháp

1.      Có người cầu nguyện dễ dàng bằng suy xét (consideration), nhưng cũng có người cảm thấy dễ dàng khi cầu nguyện với cảm xúc của mình. Cả hai phương pháp đều có giá trị. ĐHV cần nhắc nhở TLV nên dùng cả hai cách cầu nguyện, tìm chân lý chung chung cũng như tìm sự thật trong con người của mình và trong đời sống mình.

 2.      ĐHV nên điều chỉnh cách mình hướng dẫn tùy theo cách TLV dùng tài liệu như thế nào. Thí dụ, ĐHV không ngần ngại nói với TLV một cách vắn gọn rằng họ ‘nên’ (should) cảm nhận được niềm vui trong Đức Kitô hoạc họ ‘phải’ (ought to) tri ân Thiên Chúa. ĐHV hãy chia sẻ những an ủi thiêng liêng của mình cho TLV trong vai trò người kitô hữu Phục Sinh đi an ủi người khác.

 3.      Trong trường hợp có những TLV không thể cầu nguyện với Thánh Kinh được, ĐHV không nên tiếp tục hướng dẫn chương trình thao luyện cho họ. ĐHV nên chỉ cho họ những cách khác để cầu nguyện, chẳng hạn như ‘Ba Cách Cầu Nguyện’ trong đoạn 238-260 của sách Linh Thao của Thánh I Nhã.

 Về Nội Dung

 Thánh Kinh:

 Mt 1,1-17: Đức Kitô học biết về tổ tiên của Ngài, cũng phức tạp như tổ tiên của bao nhiêu người khác. Nền văn hóa nơi Ngài sinh trưởng đã ảnh hưởng đến con người của Ngài, từ niềm tin cho đến cả thái độ kết án, trong thành kiến và cả sự hiểu lầm.Gr 18,1-6: Tầm vóc, dáng dấp, chủng tộc, thời điểm, nơi chốn, trí khôn, và cả màu mắt của tôi đều do Thiên Chúa lựa chọn cho tôi.

Ga 4,5-26: Đức Giêsu ý thức mỗi ngày một rõ hơn sự liên hệ của mình với Dân của Ngài (là Đấng Thiên Sai) và sự liên hệ của mình với Thiên Chúa (là Đấng Thánh). Cũng vậy, chúng ta cũng ý thức mỗi lúc một rõ hơn mình là ai.

Dành Cho Người Thao Viên

Ơn Xin – Tôi muốn gì?

Xin Thần Khí giúp tôi bắt chước Đức Giêsu trọn vẹn hai tiếng Xin Vâng với Thiên Chúa, với bản thân tôi, và với thế giới huy hoàng mà Thiên Chúa đang tạo dựng quanh tôi.

 Thánh Kinh

 1.      Mt 1,1-17: Gia phả Đức Giêsu.

 2.      Gr 18,1-6: TC uốn nắn tôi như mgười thợ nặn bình gốm.

 3.      Ga 4,5-26: Lần đầu tiên Đức Giêsu cho biết Ngài là ai.

 Vài điểm gợi ý

  • Đức Giêsu là người dân của một nước bị trị. Ngài lớn lên trong một nền văn hóa bị luật lệ tôn giáo kiểm soát chặt chẽ và trong một vùng nổi tiếng là đạo đức (có thể tới độ quá khích). Ngài là một người lao động bình thường như bao nhiêu người khác, sinh sống bằng bàn tay lam lũ của mình. Ngài được mời gọi Xin Vâng với cuộc đời Ngài, với bản thân Ngài, và với thế giới Ngài đang sống. Ngài tin tưởng rằng Thiên Chúa đã tạo dựng Ngài trong tất cả những hoàn cảnh cụ thể này.
  •  Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu đã xác quyết rằng Thiên Chúa yêu thương con người hiện tại của mỗi người. Không phải con người mà tôi có thể trở nên, hay muốn trở nên, hoặc phải trở thành. Mà là con người hiện tại của tôi. Ngài đã hoàn toàn chấp nhận việc Thiên Chúa chấp nhận Ngài. Vì thế Ngài có thể chấp nhận những người bị ruồng bỏ, khinh miệt: người ăn mày, cô gái điếm, kẻ cùi hủi. Ngài đối xử với họ rất dịu dàng. Thái độ của tôi đối với những người này như thế nào sẽ phản ảnh cho tôi thấy thái độ của tôi đối với chính mình và với Đấng Tạo Hóa như thế ấy.
  • Cũng như Đức Giêsu, tôi phải đối diện với con người thật của mình, với lịch sử đời mình, và với thế giới chung quanh. Tôi được mời gọi Xin Vâng với tất cả. Khi đáp trả lời mời gọi đó, tôi chấp nhận việc Thiên Chúa chấp nhận tôi. “Vì trước mắt Ta, con thật quý giá, và Ta yêu thương con” (Is 43:4).
  • Nhờ đức tin, tôi biết Chúa Thánh Thần đã xức dầu con người thật của tôi, như Đức Giêsu đã được xức dầu. Khi được rửa tội ở sông Jordan, Đức Giêsu đã được Thiên Chúa xức dầu và có tiếng nói từ trời cao: “Đây là con yêu dấu của Ta.” Cũng vậy, qua Bí Tích Rửa Tội, tôi được Thiên Chúa xức dầu và tuyển chọn từ ngàn xưa để tôi nhận Đức Giêsu Kitô là đấng cứu chuộc của riêng tôi.

Đức tin dạy chúng ta biết Thiên Chúa hình thành mỗi con người từ lúc thụ thai và chính Ngài trực tiếp tạo dựng sự sống cá biệt này. Cha mẹ chúng ta chỉ biết mình muốn có con (hoặc nếu rõ ràng hơn nữa thì cũng chỉ muốn có một đứa con gái hay một đứa con trai nào đó mà thôi). Còn Thiên Chúa, Ngài muốn chính tôi, và chính tôi được hình thành

DẪN GIẢI KINH THÁNH

Mt 1,1-17: Đức Giêsu càng lớn càng biết về gia tộc của Ngài, cũng đầy những rối ren như bao nhiêu người khác. Văn hóa thời ấy nhào nặn nên con người Ngài bằng những niềm tin, những điều xác tín, và ngay cả bằng những thành kiền, cũng như những quan niệm sai lầm.

  • Chữ Giêsu (Yeshua) có nghĩa là Giavê Cứu Giúp. Còn chữ Kitô (Mêsia tiếng Do Thái) có nghĩa là Đấng được xức dầu phong vương, Vị Cứu Tinh của dân tộc.
  • Người Do thái rất chú trọng đến gia phả (Cựu Ước thường có những chương dài đầy tên của những vị nổi tiếng của nhiều thế hệ) và sự thuần chủng của giòng họ mình (ai bị nghi ngờ là lai một giòng máu khác, người đó sẽ không được nhìn nhận là người Do thái và là một thành phần của cộng đoàn dân Chúa).
  • Gia phả của Chúa Giêsu được chia thành ba phần gồm 14 người mỗi phần. Cả ba phần dựa vào ba cao điểm oai hùng nhất của lịch sử Do Thái: Vua Đavít, chuyến lưu đày Babylon, và Chúa Giêsu. Sự sắp xếp theo thứ tự này cũng là để mọi người dễ nhớ hơn
  • Gia phả Chúa Giêsu có nhắc đến tên của 4 phụ nữ. Đây là một điều lạ vì thời đó phụ nữ không được hưởng một quyền lợi nào cả. Người nữ chỉ được xem là sở hữu của cha hoặc chồng mình mà thôi. Lịch sử của những phụ nữ đó như sau: Rakhab là gái điếm của thành Jericô (Giô-suê, 2), Bà Rút thuộc về một sắc tộc dân ngoại bị nhiều thù nghịch (người Moab), Tamar là một người lẳng lơ và ngoại tình (Stk,38), Bathsheba (mẹ của vua Solomon) là người đàn bà mà vua Đavít đã chiếm đoạt (từ người chồng của bà ta là Urigia) bằng những thủ đoạn gian ác khó tha thứ (2 Sam 11, 2-14).

Gr 18,1-6: Thiên Chúa lựa chọn cho tôi kích thước, tầm vóc, sắc tộc, thời gian và không gian, trí óc, và cả màu mắt của tôi nữa.

  • Người thợ gốm và đất sét là một hình ảnh rất được ưa chuộng để diễn tả sự liên hệ giữa Thiên Chúa và con người: Thiên Chúa là người thợ gốm và nhân loại là đất sét (một tư tưởng thịnh hành vùng Cận Đông: loài người được tạo dựng từ đất bùn).
  • Tính chất của đất sét và cách thế nó đáp ứng lại sự nhào nặn của đôi tay người thợ gốm sẽ xác định thể loại hoặc chất lượng của chiếc bình gốm. Nếu chiếc bình gốm không được ưng ý, thay vì vất đi, người thợ gốm sẽ uốn nắn lại.
  • Dù Thiên Chúa nắm số mệnh của dân Israel, nhưng vì Ngài không phải là một bạo chúa nên Ngài vẫn để cho Israel có quyền hành. Thiên Chúa có thể thay đổi quyết định của Ngài nếu loài người sám hối trở về.
  • Dân Do Thái tin là loài người hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa từ khi tạo dựng.

Ga 4,5-26: Giêsu phải từ từ lớn lên trong ý thức vai trò của Ngài với dân Chúa (là Đấng Cứu Thế), và với Chúa Cha (là Đấng Thánh); mỗi người chúng ta cũng phải từ từ nhận biết mình là ai.

  • Plestine chỉ dài 120 dặm, nhưng vào thời Chúa Giêsu đã bị chia ra làm 3 phần (Galilê ở hướng bắc, Giuđêa ở hướng Nam, và Samaria ở giữa). Đường đi ngắn nhất từ Giuđêa tới Galilê là cắt ngang Samaria.
  • Sự cạnh tranh giữa dân Do Thái và người Samari kéo dài hơn 400 năm.
  • Theo truyền thống Do Thái, giáo sĩ không được trò chuyện với bất cứ một người đàn bà nào ở nơi công cộng (cho dù đó là vợ, con, hoặc chị em mình). Nếu một giáo sĩ bị bắt gặp đang chào hỏi một người đàn bà nào đó trước mặt quần chúng, ông ta sẽ bị tai tiếng, và phẩm hạnh bị đặt thành vấn đề. Vậy mà, Chúa Giêsu lại trò chuyện với một người đàn bà Samari, một người có phẩm hạnh đáng nghi ngờ.
  • Cái giếng này nằm trên một khu vực nhiều kỷ niệm của dân Do Thái (khu đất đó của Giacóp, Giacóp trước khi chết đã để lại cho Giuse)

Đây là một trong những câu chuyện hiếm hoi trong Tin Mừng mô tả nhiều tính cách khác nhau của Chúa Giêsu: ngài là một con người; ngài có một trái tim đầy cảm thông, và Giêsu là người đã đạp đổ mọi hàng rào ngăn cách.

CẦU NGUYỆN VỚI TIỂU SỬ ĐỜI TÔI

Tôi viết xuống trong một quyển tập tất cả những số liệu thống kê quan trọng liên quan đến cuộc đời tôi. Mỗi lần tôi viết một số liệu hay dữ kiện, tôi hướng tâm hồn lên Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên tôi, và tôi ngợi khen cùng cảm tạ Ngài về chi tiết đó trong tiểu sử đời tôi và trong chính con người tôi. Nên nhớ ràng: Thiên Chúa đã chọn để tôi ra đời ở một nơi chốn và thời khắc riêng biệt, làm con của những bậc thân sinh và của một giống nòi riêng biệt, và hết tất cả những gì còn lại về tôi cũng đều riêng biệt. Tôi có bằng lòng với những chọn lựa của Thiên Chúa dành cho tôi không?

  • Để bắt đầu, tôi viết xuống tên họ, nơi sinh, ngày sinh của các đấng sinh thành nên tôi. Tôi cũng ghi lại ngày và nơi sinh cũng như bất cứ chi tiết quan trọng nào khác về thể xác của bản thân tôi. Tôi ghi lại phái tính, chủng tộc, sắc dân, màu tóc, màu mắt cùng thân hình của mình. Tôi cũng ghi lại tên và ngày sinh nhật của anh chị em tôi, cả những chi tiết quan trọng khác liên quan đến họ; và tôi cũng ghi lại họ hàng của mình bao gồm cậu, dì, và anh, chị em họ. Tôi ghi lại những thành thị và địa chỉ nơi tôi đã từng sống trước khi tôi lên bảy tuổi. Tất cả những điều này, Thiên Chúa đã chọn cho tôi. Vì tất cả những điều này, tôi ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa.
  • Rồi tôi lại viết xuống khoảng sáu đặc điểm cá nhân và tính chất đã được tạo dựng trong tôi trước khi tôi biết chọn lựa. Tự tin hay lo sợ, thông minh, tôi nói được một hay nhiều ngôn ngữ, thói quen học tập, những sinh hoạt mà tôi ưa thích, thậm chí cả khuynh hướng phái tính của mình. Đồng thời tôi cũng ghi lại khoảng sáu đặc điểm và tính chất mà tôi thừa hưởng từ cha, mẹ hay họ hàng mình, những điều mà tôi thích và có lẽ có một số điều mà tôi chỉ muốn nó biến mất càng sớm càng tốt. Thế nhưng, tất cả những điều này, Thiên Chúa cũng đã chọn cho tôi ngay bên trong một gia đình nhân loại. Vì tất cả những điều này, tôi ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa.
  • Nếu còn thời gian cầu nguyện, tôi tiếp tục viết xuống năm hoặc sáu phẩm chất riêng của chính bản thân mà tôi đặc biệt ưa thích. Có lẽ tôi trầm lặng, hay hoạt bát, và tôi thích điều đó nơi bản thân tôi. Có lẽ tôi rất tỉ mỉ, hay nhạy cảm trước cảm xúc của người khác, hay hoặc tôi là người thành thật. Có lẽ tôi có nhiều nghị lực, hay gặt hái được nhiều thành quả. Tôi viết xuống những tính chất này và thừa nhận chúng như những món quà mà Đấng tạo dựng đã ban cho tôi. Vì tất cả những điều này, Thiên Chúa cũng đã chọn cho tôi ngay bên trong một gia đình nhân loại. Vì tất cả điều này, tôi ngợi khen cùng cảm tạ Thiên Chúa.
  • Cuối cùng, nếu vẫn còn giờ cầu nguyện, tôi tiếp tục viết xuống năm hoặc sáu nét đặc trưng của mình mà tôi đặc biệt không thích. Có lẽ tôi quá cao hay quá lùn, hoặc không thể rủ bỏ một thái độ xấu nào đó. Có lẽ tôi có một hình ảnh bi quan về bản thân. Hoặc tôi thấy mình sao mà ghét người khác dễ dàng quá. Hay là tôi bị tiểu đường. Tôi ghi lại những tính chất này và chấp nhận chúng như những món quà từ Đấng tạo dựng tôi. Vì tất cả những điều này, Thiên Chúa cũng đã chọn cho tôi bên trong một gia đình nhân loại. Vì tất cả những điều này, tôi ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa.

Khi hết giờ cầu nguyện, tôi đọc lại Tv 139. Nhưng tôi cần nhớ rằng Thiên Chúa đã không dựng nên tôi chỉ một lần cách đây đã lâu khi tôi mới được thụ thai hay mới chào đời. Tôi cần nhớ rằng Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục tạo dựng tôi, hy vọng nhiều điều cho tôi, và ao ước tôi tiếp tục lớn lên trong tình yêu cho đến khi tôi biết yêu hoàn toàn như Chúa yêu.

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

11 − 7 =