CÁC CHÚ DẪN LINH THAO (Kỳ 3)

III. Hành trình và kinh nghiệm (các chú dẫn 4 – 17)

1. Nội dung

  • Chú dẫn 4 trình bày hành trình 4 tuần, và theo khuôn khổ này, các bài Linh Thao sẽ được đề nghị; ngoài ra còn có một lưu ý quan trọng về phương pháp.
  • Chú dẫn 5 lưu ý về điều kiện tiên quyết để kinh nghiệm Linh Thao mang lại hoa trái; ngay ở đây, thánh I-nhã đã nêu ra viễn tượng của lời nguyện dâng hiến rồi (Suscipe trong LT 234).
  • CD 6 dự kiến trường hợp người tập không quảng đại đủ, và hậu quả tất yếu là « không có chuyển động thiêng liêng nào ».
  • Mười chú dẫn tiếp theo (chú dẫn 7-16) trình bày thái độ cần có của người tập cũng như của người hướng dẫn trước một số tình huống có thể diễn ra trong hành trình, nhằm thực sự đi vào kinh nghiệm Linh Thao:
    • Chú dẫn 7 nói tới thái độ phải có của người hướng dẫn, khi người tập bị sầu khổ và thử thách.
    • Các chú dẫn 8, 9, 10 nói về cách thức vận dụng các qui tắc nhận định thần loại tùy theo kinh nghiệm của người tập.
    • Theo chú dẫn 11, người tập khi đang ở tuần I, không nên biết trước nội dung của tuần II.
    • Theo chú dẫn 12 và 13, cần cầu nguyện trọn vẹn một giờ hay hơn một chút trong trường hợp bị cám dỗ rút ngắn.
    • Chú dẫn 14 đề nghị người hướng dẫn chú ý tới trường hợp người tập đang được an ủi và đầy sốt mến, và muốn thực hiện các lời khấn hứa; đặc biệt, nếu người này là người nhẹ dạ.
    • Theo chú dẫn 15 và 16, người hướng dẫn không được dẫn dắt người tập về bậc sống, nhưng giúp người tập tìm ý Chúa và nhất là để cho chính Chúa hướng dẫn trực tiếp người tập.
    • Chú dẫn 17 nói về những điều người hướng dẫn cần biết về người tập.

2. Chú dẫn 4

Cách chia hành trình Linh Thao thành bốn Tuần tương ứng với hành trình Tin Mừng; phần lựa chọn (LT 169-189) và các bài suy niệm riêng của thánh I-nhã không được nói tới (Nguyên Lý và Nền Tảng, Tiếng Gọi, Hai Cờ Hiệu, Ba Mẫu Người và Ba Bậc Khiêm Nhường, Chiêm Niệm để được tình yêu)[1]. Vì thế hành trình Tin Mừng chính là hành trình nền của kinh nghiệm Linh Thao.

Tuy nhiên cách chia hành trình Linh Thao thành các tuần sẽ phụ thuộc vào điều mà người tập trải qua. Điều này liên quan đến việc đọc lại kinh nghiệm và đến các qui tắc nhận định thần loại. Như thế, ngay khi viễn tượng hành trình mở ra đối với người tập, việc nhận định trở nên cần thiết đối với người hướng dẫn. Do đó phải đọc sách Linh Thao vừa từ đầu sách vừa từ cuối sách! Và khả năng cho Linh Thao không chỉ hệ ở việc cho điểm, nhưng còn ở khả năng nhận định thiêng liêng. Vì thế, cùng với việc thực tập cho điểm, cần phải ý thức rằng, việc cho điểm cần thích ứng với việc nhận định[2]. Một cách tổng quát, chúng ta có thể đọc các chú dẫn từ 4 đến 17 như là một dẫn nhập vào việc nhận định thần loại.

3. Chú dẫn 5

Lời mời gọi này đối với người tập loan báo trước điểm kết thúc mà người này sẽ được dẫn tới, đó là lời nguyện “Dâng hiến” (Suscipe) ; lời nguyện kết thúc hành trình, nhưng đã được khởi động với lời dâng hiến của bài Tiếng Gọi (hay Vương Triều).

“Với một tâm hồn lớn lao và sự hào phóng » (Con grande animo y liberalidad). Trong nền văn hóa của thánh I-nhã, điều này đặc trưng cho một con người tự do, không là đầy tớ hay nô lệ của ai, cũng không mắc nợ ai điều gì và có thể cho đi không tính toán.

4. Chú dẫn 6

Những câu hỏi người hướng dẫn nêu ra không liên quan đến những tình cảm của người tập, nhưng đến cách mà người này thực hiện các bài tập Linh Thao. Thực vậy, những điều phụ thêm (LT 73-90) xác định những điều cần được áp dụng một khi kinh nghiệm đã bắt đầu và nhằm để “tập Linh Thao tốt hơn…”. Như thế, ngay từ đầu, đã phải chú ý đến kinh nghiệm : kinh nghiệm an ủi và sầu khổ, hay kinh nghiệm không cảm thấy gì hết.

5. Chú dẫn 17

Chú dẫn này, cũng như chú dẫn 6, đề cập đến những gì phải được nói trong các cuộc gặp gỡ giữa người tập và người hướng dẫn. Để có thể thích ứng các bài Linh Thao với người tập, người này nên nói về những gì mình đã trải qua. Nhưng cần nói những gì? Không phải tất cả những gì người này nghĩ hay làm, nhưng là những điều xẩy ra cho mình và điều làm mình trệch đường, không phù hợp với điều mình trông đợi, nhất là điều làm mình giao động, điều làm mình bối rối, bất ổn. Về điều này cần phải nói đủ, không quá nhiều, cũng không quá ít, để có thể nhận được những bài tập thích hợp với điều mình đang trải qua hay những hướng dẫn thích hợp và hữu ích.

*  *  *

Khoảng cách giữa chú dẫn 6 và 17 ứng với chỗ của kinh nghiệm mà các bài Linh Thao giúp thực hiện. Theo đó, thích ứng chỉ có thể được thực hiện sau khi đã cho ít nhất một bài Linh Thao và kinh nghiệm đầu tiên đã xẩy ra (ơn ủi, biến động hay chẳng có gì). Do đó, ngoài việc biết cho Linh Thao, còn phải có khả năng nhận ra rằng, những gì được nói và những gì xẩy diễn ra giữa người tập luyện và người hướng dẫn, chính là một phản ánh, tuy ngoại tại nhưng đích thực, của những gì được nói và của những gì xẩy diễn ra giữa người tập luyện và Thiên Chúa của mình.

Trong suốt hành trình, để cho lòng ước ao có thể được thể hiện, cần thiết phải duy trì khoảng cách giữa điều được đề nghị và điều sẽ xẩy ra, giữa các bài Linh Thao khác nhau (bài này không tất yếu theo sau bài kia, ít nhất đối với người làm Linh Thao), giữa người cho Linh Thao và người làm Linh Thao. Không gian giữa chú dẫn 6 và chú dẫn 17 được dành cho khoảng cách tế nhị này; tế nhị, vì phải thiết lập tương quan truyền thông nhưng trong một khoảng cách vừa đủ. Trong cách cho và làm Linh Thao, sự hiện diện của khoảng cách này là nền tảng để cho các bài Linh Thao dẫn người tập đến một kinh nghiệm đích thật.

Trong thực tế, người tập có thực hiện thật chính xác tất cả những gì được đề nghị cho mình, và tìm cách làm hài lòng người hướng dẫn. Trong trường hợp này, khoảng cách nền tảng đã không được duy trì. Để có khoảng cách này, vốn bảo đảm cho kinh nghiệm đích thức, người tập phải chú ý đến điều mà Thánh Thần thực hiện, chứ không phải điều mà người hướng dẫn ước ao. Về phần người hướng dẫn, cần phải duy trì khoảng cách trong suốt hành trình Linh Thao, xét cho cùng chính là để cho “chính Đấng Tạo Hóa và Chúa tự thông truyền cho linh hồn trung tín, ấp ủ nó trong tình yêu mến và sự ngợi khen Ngài” (CD 15) [3]. Vì thế, người hướng dẫn không nhắm đến việc thực hiện chính xác điều mình đề nghị; người hướng dẫn chỉ ước ao người tập dùng những gì được đề nghị để có thể sống kinh nghiệm thiêng liêng riêng của mình, và kinh nghiệm này đôi khi, có vẻ chẳng liên quan với điều được đề nghị.

 

Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ.



[1] Câu hỏi thảo luận : Đâu là vai trò của những bài này về phương pháp và nội dung của sách Linh Thao ? Phải thích ứng ra sao trong thực hành cho Linh Thao ? (tùy bài, tùy đối tượng, tùy mục đích và thời gian của khóa LT : bài nào, truyền đạt nguyên văn, truyền đạt và giải thích thêm, thay thế bằng bản văn Kinh Thánh với cùng định hướng thiêng liêng, sử dụng như bài đọc thiêng liêng và dành thời giờ để suy xét vào những thời điểm thích hợp…?)

[2] Trong thực tế, bài LT thường được trình bày cho một nhóm. Việc nhận định thiêng liêng để thích ứng sẽ diễn ra trong các lần cầu nguyện lại và trong đồng hành thiêng liêng.

[3] Đây chính là thách đố “đáng sợ” nhất của Linh Thao, nhưng cũng là điều cốt lõi nhất.

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

10 + twelve =