0. Ơn xin

Tĩnh tâm là thời gian cầu nguyện, chúng ta sẽ cầu nguyện theo những cách thức khác nhau: cầu nguyện với thánh lễ, cầu nguyện theo chu kỳ, chia sẻ rồi phục niệm.

Xin Chúa Thánh Thần dạy con biết cầu nguyện thế nào trong khóa tĩnh tâm này để được biến đổi căn bản và lâu dài.

1. Cầu nguyện với Thánh lễ

Chúng ta sẽ bắt đầu ngày sống bằng Thánh lễ tiếp theo là suy chiêm theo kinh nghiệm của chúng ta.

a. Thánh lễ đầu ngày

Thánh lễ phải định hướng cho ngày sống bằng hướng dẫn đầu lễ và hướng dẫn sau các bài đọc. Khi nghe hướng dẫn nên ghi lại những điều cần thiết để biết hướng sống của ngày cùng những điều cần thiết để suy chiêm đầu ngày.

b. Suy chiêm đầu ngày

Sau Thánh lễ, nên để ra mấy phút ghi vắn tắt ơn xin, những điều sẽ suy chiêm, rồi mới suy chiêm. Sau giờ suy chiêm, trong giờ nhận định cầu nguyện, nên xác định cách sống tĩnh tâm trong ngày thế nào để có kết quả tốt hơn.

c. Suy nghĩ

Suy nghĩ về những điều trên cùng với kinh nghiệm cầu nguyện và sinh sống thời hậu tĩnh tâm trong năm qua, tôi sẽ cầu nguyện với Thánh lễ như thế nào trong khóa tĩnh tâm này để được biến đổi hơn?

2. Cầu nguyện theo chu kỳ

Mỗi ngày có hai chu kỳ đầy đủ về cầu nguyện: buổi sáng và buổi chiều. Mỗi chu kỳ cầu nguyện gồm 6 giai đoạn: dài vắn khác nhau, cố định hay co giãn tùy đề tài, bắt buộc hay tự do cũng khác nhau.

a. Hướng dẫn (0’ – 30’)

Tùy đề tài, phần hướng dẫn có thể không có hay dài 30’. Nhưng bao giờ hướng dẫn cũng là chỉ đường chứ không đi thay (LT 2). Hướng dẫn là chỉ cho thao viên biết cách cầu nguyện, cách tĩnh tâm thế nào cho kết quả. Hướng dẫn thường được trình bày dưới dạng một dàn bài gồm: nhập nguyện, suy chiêm và kết nguyện.

b. Suy niệm (30’-60’)

Tùy chủ đề, giờ suy niệm có thể dài từ 30’ đến 60’. Người nào thiếu sức khỏe có thể bỏ phần này.

Như bài hướng dẫn cho biết, suy niệm là một hành trình 3 bước: nhập nguyện, suy niệm và kết nguyện.

1) Nhập nguyện: Bước này gồm 5 việc phải làm là:

 Chọn lấy 5 điều kiện tốt nhất để việc suy niệm đưa lại kết quả tốt nhất: chọn chỗ, chọn giờ, chọn tư thế, chọn tư cách và chọn thái độ.

 Định tâm: đưa tất cả con người của mình vào việc cầu nguyện.

 Nhận diện: nhận ra Chúa đang hiện diện. Thấy mình đang ở trước mặt Chúa. Theo cha Nigro, phần này rất quan trọng, nếu không có thì những việc ta sẽ làm không thể là cầu nguyện được. Trong Linh Thao thì việc định tâm và nhận diện được làm bằng cách nhớ lại lịch sử và đặt mình vào khung cảnh điều ta sắp suy chiêm. Thí dụ: LT 102-103.

 Xin giúp: Xin Chúa Thánh Thần đến giúp ta cầu nguyện thế nào để có thể biến đổi căn bản và lâu dài. (Rm 8, 26-27)

 Xin ơn: Xác định ơn sẽ xin trong giờ suy chiêm.

Trong 5 việc phải làm ở bước nhập nguyện thì chỉ việc xin ơn là thay đổi theo mỗi bài suy chiêm. Chính vì thế, ở nhập nguyện, bài hướng dẫn thường chỉ xác định ơn phải xin mà thôi. Khi suy niệm phải làm cả 5 việc, nhưng riêng việc xin ơn, cần phải để nhiều giờ nghiền ngẫm kỹ vì điều này chi phối tất cả giờ suy niệm, nghĩa là nó không chỉ hướng dẫn việc suy niệm mà còn cho ta sức thúc đẩy cần thiết để cầu nguyện.

2) Suy niệm

Sau khi nhập nguyện cẩn thận, hãy dựa vào kinh nghiệm nguyện gẫm của mình mà suy niệm thế nào cho có sức biến đổi căn bản và lâu dài.

Bước suy niệm thường gồm các điểm phải suy niệm. Mỗi điểm sẽ gồm một vài câu hỏi hướng dẫn, một vài đoạn Thánh Kinh liên hệ. Dùng phương pháp 3 bước: đọc kỹ, suy sâu và nguyện cầu mà suy niệm mỗi đoạn Thánh Kinh.

* Đọc kỹ: Trước hết hãy đọc đi đọc đoạn Thánh Kinh. Sau đó thinh lặng chờ cho tới khi các câu Thánh Kinh thấm sâu vào lòng, tác động mạnh lòng ta. Hãy theo những điểm tác động lòng ta mà suy sâu.

* Suy sâu: Dựa vào Chúa Thánh Thần, vận dụng trí khôn, đi sâu vào đoạn Thánh Kinh vừa đọc để hiểu thấu, cảm sâu những điều sau:

– Tác giả muốn nói gì với các độc giả của tác giả?

– Qua câu Thánh Kinh ấy, Chúa dạy tôi hiểu điều gì về Chúa, về tha nhân, về bản thân tôi và về các thụ tạo khác.

– Qua những điều tác giả muốn nói, những điều Chúa muốn dạy, Chúa bảo tôi làm gì?

* Nguyện cầu: Sau khi đã suy sâu, hãy thưa chuyện cùng Chúa như con thưa chuyện cùng Cha, như trò thưa chuyện cùng Thầy, như hai người bạn nói chuyện với nhau, như hai người yêu tâm sự cùng nhau (LT 54).

3) Kết nguyện

Nếu giờ suy niệm chỉ đủ để suy niệm một điểm mà thôi thì bước nguyện cầu chính là bước kết nguyện. Nếu có đủ giờ để suy niệm nhiều điểm, thì lúc kết nguyện, ta sẽ thưa chuyện với Chúa về cả giờ suy niệm và thường kết thúc bằng kinh Lạy Cha, hoặc đọc lại đoạn Thánh Kinh đã suy.

4) Ghi lại

Sau khi suy niệm, nên để ra khoảng 5’-10’ để ghi vắn tắt lại kết quả của giờ suy niệm để đi vào giờ chia sẻ.

c. Chia sẻ (30’-60’)

Tùy theo đề tài, bước chia sẻ có thể kéo dài từ 30’ đến 60’. Những người không đủ sức để suy niệm cũng nên tham dự giờ chia sẻ vì giờ này tương đương với giờ cho và lấy điểm theo phương pháp quen làm. Tùy ý và tùy khả năng của những người ấy, họ có thể lắng nghe mà không thông chia.

Còn đối với những người có sức suy niệm thì họ thông chia kết quả của giờ suy niệm và lắng nghe người khác thông chia với thái độ tiếp nhận trong khiêm tốn và mở lòng ra để Chúa Thánh Thần dạy dỗ theo những cách khác nhau. Khi lắng nghe người khác luôn tự hỏi Chúa Thánh Thần muốn dạy bảo tôi điều gì.

Chuẩn bị chiêm niệm: Sau khi chia sẻ, nên để ra mươi phút làm lấy một dàn bài để chiêm niệm. Dàn bài chiêm niệm có thể theo khung sau:

1) Nhập nguyện: Lấy trong bài hướng dẫn hoặc điềm được đánh động đặc biệt.

2) Chiêm niệm: Thường gồm 3-4 điểm được đánh động mạnh nhất.

3) Kết nguyện: Thưa chuyện với Chúa về những điều ta thấy Chúa dạy bảo.

d. Nghỉ ngơi (15’-30’)

Tùy theo thời giờ và sức khỏe, sau khi chia sẻ có thể để ra từ 15’ đến 30’ nghỉ ngơi trong thinh lặng để lấy lại sức cần thiết mà bước vào giờ chiêm niệm.

đ. Chiêm niệm (60’)

Nếu các bước trước được sắp xếp tùy theo sức khỏe của thao viên, thì bước chiêm niệm thuộc  việc lựa chọn tĩnh tâm. Tĩnh tâm mà không thể tham dự giờ chiêm niệm được thì cũng có nghĩa là không có khả năng tĩnh tâm. Giờ chiêm niệm bao giờ cũng kéo dài 60’.

Suy niệm thì vận dụng trí khôn đi khắp những điểm mà người hướng dẫn gợi ra, còn giờ chiêm niệm thì vận dụng mọi khả năng còn lại đi sâu vào những điểm được tác động trong các bước suy niệm, chia sẻ. Các giờ trước có tính cách chung, còn giờ chiêm niệm có tính cách riêng. Giờ suy niệm đi theo chiều ngang và trên mặt còn giờ chiêm niệm đi xuống theo chiều dọc và xuống những điểm được tác động.

e. Nhận định cầu nguyện (15’)

Cuối chu kỳ cầu nguyện phải để ra 15’, nhận định cầu nguyện: thấy đúng hoa trái, nhận đúng nguyên nhân, thấy rõ đường Chúa chỉ.

1) Thấy đúng hoa trái. Trước hết là nhận ra cho chính xác hoa trái của chu kỳ cầu nguyện. Hãy xem chu kỳ cầu nguyện vừa qua có biến đổi các tương quan hay không. Nếu có thì biến đổi thế nào?

* Tương quan với Ba Ngôi: Lối nhìn về Ba Ngôi và lối sống với Ba Ngôi biến đổi thế nào?

* Tương quan với Tha Nhân: Lối nhìn về Tha Nhân và lối sống với Tha Nhân biến đổi thế nào?

* Tương quan với Bản Thân: Lối nhìn về Bản Thân và lối sống với Bản Thân biến đổi thế nào?

* Tương quan với Của Cải (Vũ trụ): Đã làm chủ Của Cải hơn hay vẫn làm nô lệ nó như trước?

2) Nhận đúng nguyên nhân: Hoa trái trên do nguyên nhân nào?

* Do cầu nguyện?

* Do cách sống tĩnh tâm?

3) Thấy rõ đường Chúa chỉ.

* Chúa bảo tôi cầu nguyện như thế nào?

* Chúa muốn tôi sống tĩnh tâm như thế nào?

4) Ghi tóm tắt những gì Chúa dạy.

5) Vì công việc nhận định cầu nguyện rất quan trọng, nếu cần, người hướng dẫn có thể giải thích thêm và thao viên có thể hỏi thêm người hướng dẫn.

g. Suy nghĩ

Suy nghĩ về những điều trên cùng với kinh nghiệm cầu nguyện và sống thời hậu tĩnh tâm trong năm qua, trong khóa tĩnh tâm này, tôi sẽ cầu nguyện theo chu kỳ như thế nào để được biến đổi tốt hơn?

3. Chia sẻ rồi phục niệm

Vào cuối ngày, sau cơm tối hãy nghỉ ngơi rồi chia sẻ theo tổ về kinh nghiệm thiêng liêng của ngày tĩnh tâm gọi là chia sẻ thiêng liêng, sau đó hãy cầu nguyện lại những ơn đã được trong suốt ngày tĩnh tâm, gọi là tái niệm hay phục nhiệm.

a. Chia sẻ thiêng liêng

1) Mục đích và ý nghĩa

Chia sẻ chuẩn bị nhằm chuẩn bị chiêm niệm cho nên bao giờ cũng đi trước chiêm niệm. Còn chia sẻ thiêng liêng lại nhằm thông chia các ơn ích cùng kinh nghiệm cầu nguyện đã thâu lượm được trong các giờ cầu nguyện trong ngày, nhất là suy chiêm, cho nên bao giờ nó cũng phải đi sau các giờ cầu nguyện. Công việc chia sẻ thiêng liêng nhằm những mục đích liên quan đến tương quan với Ba Ngôi, với Tha Nhân, với Bản Thân, và với Vật Chất.

a) Với Chúa

Chia sẻ nhằm tạ ơn và để Chúa tác động.

* Tạ ơn: Trong một nhóm cùng cầu nguyện, cùng tĩnh tâm, nhất là một nhóm đã kết thành cộng đoàn, ơn ban cho mỗi thành viên cũng là ơn ban cho cả nhóm. Vì thế, mỗi thành viên tạ ơn trong lòng xem ra chưa đủ mà còn phải giúp nhóm nhận ra mà cùng tạ ơn.

* Để Chúa tác động. Khi Chúa tác động vào mỗi thành viên là Chúa cũng muốn tác động vào các thành viên khác và vào nhóm qua thành viên ấy. Thông chia cho người khác ơn Chúa đã thương ban cho mình là để Chúa tác động vào người khác và vào nhóm qua mình. Lắng nghe người khác thông chia là để Chúa tác động vào mình qua người khác. Kinh nghiệm cho thấy, nhiều người có khi không được Chúa tác động trực tiếp trong giờ suy chiêm một mình mà lại được tác động qua người khác trong giờ chia sẻ nhóm. Tuy nhiên, cũng nhớ rằng khi để Chúa dùng mình nói với người khác thì điều ấy không hề có nghĩa là mình thông chia điều này điều nọ là để tác động vào ai cả. Cũng như khi Chúa dùng người khác nói với mình thì điều ấy không có nghĩa là người khác cố ý nói về mình. Mỗi người chỉ nói điều Chúa đã nói với mình mà thôi. Việc nói ám chỉ vi phạm trầm trọng qui luật chia sẻ thiêng liêng mà ta sẽ nói đến.

b) Với tha nhân

Đối với tha nhân, chia sẻ là tập sống yêu thương và hiệp nhất với nhau, tập chấp nhận nhau. Khi thương nhau thì có vui cùng chia, có buồn cùng sẻ. Khi yêu nhau thì cái hay của người này cũng là cái hay của người kia, cái dở của người này cũng là cái dở của người kia. Lắng nghe nhau là tập chấp nhận nhau.

c) Với mình

Đối với mình thì chia sẻ là tập chấp nhận mình lúc nghèo cũng như khi giàu. Chia sẻ cũng có tác dụng tập diễn tả để tâm tư được rõ ràng và dễ dàng cởi mở với tha nhân.

2) Chia sẻ thế nào?

Để đạt mục đích trên, phải chia sẻ thế nào?

a) Phải nói ra thế nào?

Rất nhiều người lúng túng, run sợ vì không biết phải nói thế nào. Cũng có người mạnh dạn, ba hoa: mỗi lần thông chia là một bài lên lớp. Nói hay lúc chia sẻ không cứ ở lời hay, ý đẹp, mà là kinh nghiệm thực của lòng mình. Lòng mình sao thì nói ra như vậy. Lời quá hay thì không hợp với chia sẻ, vì dễ gây ấn tượng là lời không phản ảnh lòng. Ý quá đẹp bắt người ta nghĩ đấy không phải của lòng. Vì chia sẻ là một hình thức sống yêu thương hiệp nhất, cho nên điều quan trọng khi phát biểu là để lòng hiểu lòng. Thông chia cũng không phải dạy dỗ cho nên các hình thức dạy dỗ đều không thích hợp. Mình đã sống kinh nghiệm thiêng liêng thế nào, thì nói ra thế ấy.

b) Phải lắng nghe thế nào?

Lắng nghe bạn chia sẻ là để cùng bạn tạ ơn Chúa, vì ơn Chúa ban cho bạn cũng là để cho mình. Lắng nghe bạn, cố hiểu bạn không phải để xem bạn muốn nói gì về mình mà để xem Chúa muốn nói gì với mình, về mình. Bởi vì bạn chỉ nói lên những điều Chúa đã làm nơi bạn, chứ bạn không nói gì về mình.

Lắng nghe là để chia vui với bạn khi bạn được vui vẻ, sẻ buồn với bạn khi bạn gặp những khó khăn và cố giúp bạn khắc phục. Như vậy lắng nghe không phải để bắt bẻ, đánh giá, phê bình mà là để yêu thương. Vậy chớ bám vào từ, nệ vào ý, nhưng hãy cảm thông yêu thương.

3) Chia sẻ theo tiến trình nào?

Một buổi chia sẻ thiêng liêng thường được tiến hành qua những bước sau:

a) Chuẩn bị

Để chuẩn bị nhóm chia sẻ, người điều động chuẩn bị cho nhóm những điều sau:

Y Đội hình: tập họp theo đội hình thuận lợi nhất cho việc chia sẻ. Đội hình thuận lợi nhất cho việc chia sẻ là đội hình trong đó mọi người có thể nhìn thấy và nghe thấy mọi người cách dễ dàng. Đội hình vòng tròn thỏa mãn hai đòi hỏi này. Khi chia sẻ, đừng để một ai ngồi ngoài vòng, vì để ai ngồi ngoài vòng là vô tình coi người đó là người ngoài nhóm. Muốn ngồi ngoài vòng là muốn đứng ngoài nhóm.

Y Bầu khí: Vì một mục đích của giờ chia sẻ là tập sống tình huynh đệ hiệp thông, nên phải tạo bầu khí thân mật cởi mở thì việc chia sẻ mới đạt được mục đích. Làm sao tạo được bầu khí thân mật, cởi mở cần thiết? Mỗi tổ và mỗi người điều động cần phải dựa vào kinh nghiệm và tài khéo của mình mà tạo bầu khí thích hợp.

Y Nói rõ: Người điều động phải nói rõ để giúp nhóm hiểu rất rõ mục đích và việc phải làm trong giờ chia sẻ. Hiểu đúng mục đích, nhóm tránh được lạc đề. Biết rõ việc phải làm, nhóm dễ năng động hơn.

Y Cầu nguyện: Sau khi đã nói để nhóm biết những điều cần biết, người điều động cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn để giúp nhóm làm tốt những công việc đã đề ra để đạt được mục đích của giờ chia sẻ.

Y Hát dẫn vào: Cuối cùng nhóm hợp nhau hát lên một bài giúp bước vào việc chia sẻ.

b) Chia sẻ

Y Khi đã chuẩn bị xong, người điều động căn cứ vào mục đích và các công việc phải làm mà tiến hành chia sẻ từng công việc. Mỗi công việc hay mỗi điểm, người điều động mời những ai đã được những ơn liên quan đến điểm ấy chia sẻ. Khi đã chia sẻ xong điểm ấy mà nếu dài và nếu thấy nhóm không nắm được điều chính yếu của người vừa chia sẻ thì người điều động nên tóm tắt hay nhờ một người có khả năng tóm kết những điều đã chia sẻ. Nhưng không nên tóm quá dài và tránh tóm tắt sau mỗi người chia sẻ, vì như thế, giờ chia sẻ sẽ nặng nề và lê thê. Nếu có giờ thì nên kết thúc mỗi điểm đã chia sẻ xong bằng một câu hát thích hợp.

Y Chia sẻ theo thứ tự nào? Theo lượt hay tự do?

Tùy theo tình trạng nhóm mà tiến hành. Dù theo cách nào thì cũng phải duy trì bầu khí khích lệ chia sẻ và tự do chia sẻ. Đừng để một ai cảm thấy bị bắt buộc chia sẻ. Cũng đừng để tình trạng chỉ có một số người chuyên môn chia sẻ và một số người chuyên môn ngồi nghe. Ai được ơn lợi khẩu cần phải nhớ để giờ cần thiết cho người khác. Còn những ai ngại thông chia cũng phải nhớ họ đã lãnh nhận thì họ cũng có bổn phận đóng góp.

(Chia sẻ chứ không phải thảo luận. Mỗi người nói lên điều chính mình đã sống, đã trải qua trong lúc cầu nguyện, cho nên không có chuyện đồng ý hay không đồng ý. Nếu có những điểm bất đồng hay bị đụng chạm thì hãy ghi tóm tắt lại những điểm ấy, không phải là để tranh luận mà là để đọc lại, để biết mình. (Người hướng dẫn nên giải thích thêm phần này nếu cần).

c) Trao đổi

Tuy chia sẻ không phải trao đổi, nhưng nếu nhóm thấy có những vấn đề quan trọng cho nhiều người và họ muốn đào sâu, và nếu có thì giờ thì nhóm có thể trao đổi để đào sâu những vấn đề ấy. Tất cả những vấn đề định mang trao đổi bao giờ cũng phải có ý kiến của toàn nhóm mới có quyền đem trao đổi.

d) Cầu nguyện tự phát

Sau khi chia sẻ hoặc trao đổi, nên dành ra một số phút để ai được thúc đẩy có thể cầu nguyện tự phát lớn tiếng. Cầu nguyện tự phát là cầu nguyện tự do không chuẩn bị.

đ) Kết nguyện

Để kết thúc, người điều động thay mặt nhóm cầu nguyện với tâm tình của nhóm, rồi cả nhóm hát hay đọc một kinh thích hợp để kết thúc.

4) Quy luật

Để việc chia sẻ đạt được mục đích đã nêu trên, phải tuân thủ cẩn thận những quy luật thông chia và lắng nghe.

a) Thông chia

Muốn cho việc thông chia thực sự là một hành vi tạ ơn, chứng tá, yêu thương và hợp nhất thì:

* Không tự đề cao. Không được dùng việc thông chia để tự đề cao dưới bất cứ hình thức nào.

* Không dạy dỗ. Không được dùng việc thông chia để dạy dỗ người.

* Không gây chia rẽ. Không được dùng việc thông chia để phê bình, chỉ trích, nói cạnh, nói khóe, nói hành người đang có mặt cũng như người vắng mặt.

b) Lắng nghe

Khi người khác thông chia thì:

* Chớ làm việc khác

chớ làm việc khác, mà phải chú ý nghe để nhận ra Chúa muốn nói gì với mình chứ không phải họ có ý nói gì về mình.

* Chớ bắt bẻ

 chớ bám vào từ, nệ vào ý để bắt bẻ, mà phải vượt từ, vượt ý mà cảm thông.

* Chớ phản đối

chớ phản đối khi không đồng ý.

* Chớ chế diễu

chớ đem những khiếm khuyết đã được thông chia ra chế nhạo, cười đùa hay nói lại với bất cứ ai.

* Chớ dùng vào việc khác

chớ dùng những hiểu biết do việc thông chia vào một việc khác mà chỉ dùng để cảm thông, hiệp nhất.

c) Tham dự

Không được đưa người ngoài nhóm chia sẻ thiêng liêng vào tham dự buổi chia sẻ mà không có sự đồng ý của mọi thành viên.

b. Tái niệm và nhận định ngày sống

Trước khi tái niệm, nên để ra năm mười phút làm lấy một dàn bài để tái niệm. Sau khi tái niệm phải ghi lấy lựa chọn ngày mai sẽ tĩnh tâm thế nào cho tốt hơn.

1) Nhập nguyện: Xin Chúa Thánh Thần cho con nhận ra những ơn lành Ngài đã cho con trong ngày tĩnh tâm, biết đào sâu những ơn đó cùng nhận ra lỗi lầm con đã làm cùng biết ngày mai phải tĩnh tâm như thế nào cho tốt hơn.

2) Tái niệm:

a) Nêu lên tất cả những ơn quan trọng hơn cả để tái niệm ngõ hầu các ơn ấy thấm sâu trong cuộc sống của ta và biết ngày mai. Tạ ơn.

b) Nhận rõ những lầm lỗi làm trong ngày. Tạ tội.

c) Xin vâng: Chúa bảo phải tĩnh tâm thế nào cho tốt hơn. Xin vâng

3) Kết nguyện: Xin hứa với Chúa sẽ làm như Chúa dạy.

c. Kinh nghiệm cầu nguyện và sống thời hậu tĩnh tâm

Suy nghĩ về những điều trên cùng với kinh nghiệm cầu nguyện và sống thời hậu tĩnh tâm trong năm qua, trong khóa tĩnh tâm này, tôi sẽ tái niệm và nhận định thế nào để được biến đổi tốt hơn?

4. Tôi sẽ cầu nguyện thế nào?

Sau khi đã suy nghĩ như trên, đọc lại kinh nghiệm thiêng liêng của thời hậu tĩnh tâm dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, tôi thấy Chúa dạy tôi phải cầu nguyện trong giai đoạn tĩnh tâm này như thế nào để được Chúa làm cho biến đổi căn bản và lâu dài? Hãy ghi vắn tắt nhưng cẩn thận những hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

seven + nineteen =