Bài 9 (tiếp theo): Một số chú thích thêm giúp cho việc chọn lựa

[1].   Những bước chuẩn bị cho việc chọn lựa

Nếu những khả thể chọn lựa chưa được rõ ràng trong tâm trí bạn, thì bạn nên thực hiện một vài bước chuẩn bị. Những bước chuẩn bị này có thể áp dụng cho mọi tiến trình quyết định. Tuy nhiên, tùy mỗi trường hợp, bạn có thể làm tuần tự các bước hoặc “nhảy cóc”.

Bước 1: Khoanh vùng những vấn đề chung cần giải quyết

Đôi khi vì vấn đề quá phức tạp nên bạn chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Thế nên, bạn hãy dùng 6 từ để hỏi sau để giúp bạn khoanh vùng được vấn đề (6W): ai (who), cái gì (what), ở đâu (where), khi nào (when), tại sao (why), bằng cách nào (how). Ví dụ:

  • Đâu là bối cảnh của những sự kiện này?
  • Tôi có thể sử dụng tài năng nào, năng khiếu nào để giải quyết sự kiện này?
  • Cảm giác thật sự của tôi trước sự kiện này là gì?

Từ đó, bạn hãy chọn ra những từ khóa được lặp lại nhiều nhất trong các câu trả lời của bạn, còn những từ ít lặp lại hơn thì loại bớt đi. Thường quyết định của bạn chỉ xoay quanh một từ khóa (một vấn đề). Nhưng đôi khi, vấn đề lại nằm ẩn sau những từ khóa kia, ví dụ như:

  • Vinh muốn thay đổi đời sống bằng cách ăn kiêng. Nhưng sau khi khoanh vùng vấn đề, Vinh phát hiện ra là mình thường ăn thêm sau 22h30 lúc đang xem TV. Vậy vấn đề có thể sẽ là đi ngủ muộn hoặc ham xem TV. Tiếp đó, Vinh lại khoanh vùng theo hai chủ đề này thì lại thấy một dữ kiện khác ý nghĩa hơn…
  • Nga đang muốn nghỉ ca làm sáng để đưa con đến trường cho an tâm, vì giao thông dạo này quá nguy hiểm. Tuy nhiên, sau khi khoanh vùng vấn đề, Nga lại thấy sở dĩ giao thông nguy hiểm là do ở ngã tư gần nhà không có đèn giao thông. Thế là, việc nhận định của cô chuyển sang một hướng khác…

Bước 2: Kiểm tra những giả thiết của bạn và chọn tiêu chuẩn

Bên cạnh những từ khóa bạn chọn là những giả thiết kèm theo. Mà đàng sau những giả thiết trên luôn có một hệ tiêu chuẩn chi phối cách nhìn nhận, đánh giá của bạn về bao dữ kiện bạn gom góp được. Chẳng hạn một bạn trẻ khao khát đi tu. Nhưng thực sự động cơ thúc đẩy khao khát kia của bạn ấy là một chức vị, hay một sự nổi nang nào đó; chứ không đơn thuần là vì lòng yêu Chúa. Mà chức vị hay danh tiếng là những tiêu chuẩn mà xã hội vẫn hằng đề cao và quảng bá mỗi ngày. Còn tiêu chuẩn của Tin Mừng, của đời tu thì khác hẳn.

 Bước 3: Tập trung vào những bước sau:

  • Động não và suy nghĩ về những giải pháp khả dĩ có thể.
  • Đưa ra giải pháp rõ ràng và mang tính tích cực. đồng thời, ghi bên cạnh giải pháp ngược lại giải pháp ấy, ví dụ: dạy ở trường A, không dạy ở trường A.
  • Sau đó, thực hiện phương pháp 4 cột.

[2].   Về tự do thiêng liêng

Muốn nhận ra cách Thiên Chúa đang hướng dẫn bạn, bạn cần phải có tự do thiêng liêng. Dẫu vậy, bạn lại thường không được tự do bởi bạn đang quyến luyến hay đang bám vào những hệ tiêu chuẩn lệch lạc (thánh I-Nhã thường gọi tắt là những “quyến luyến lệch lạc”). Những quyến luyến lệch lạc ấy thường là: xoay quanh cái tôi , thành kiến, nỗi sợ, lo lắng, ham muốn riêng … Tất cả chúng như thể những bộ lọc đang đan quyện lại, bóp nghẹt sự hoạt động của Chúa Thánh Thần trong bạn.

Bạn sẽ kinh nghiệm sự mất tự do này rõ hơn khi được ơn an ủi thiêng liêng. Khi đó, bạn cảm nghiệm được sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa. Khi đó, tầm nhìn của bạn được hòa quyện vào vùng trời của Thiên Chúa. Khi đó, trí bạn được mở ra, tâm bạn được cảm nếm, thân bạn được quân bình.

Do đó, tự do nội tâm (hay thiêng liêng) là một quà tặng của Thiên Chúa. Với ân ban này, Chúa Thánh Thần như hối thúc bạn làm điều này, bỏ điều kia, cải thiện đời sống. Thông thường, trong tiến trình nhận định chọn lựa, và nhất là để đi đến một quyết định chính xác, việc ý thức về những bám víu, lệch lạc, mất trật tự kia là điều hết sức quan trọng và cần thiết. Nhưng khi đối diện với những điều ấy, bạn phải làm gì?

 Những đề nghị của thánh I-Nhã trong Linh thao về tự do nội tâm

  1. Chân thành
  • Là biết mình và chấp nhận mình. Biết mình còn nhiều bám víu vào danh vọng, lắm lệch lạc trong tiêu chuẩn. Chấp nhận mình bất toàn và cần ơn Chúa.
  • Là đừng lừa dối chính mình. Đừng giả vờ là mình đang tự do thiêng liêng, trong khi nội tâm mình còn lắm ngổn ngang.
  • Là nhận ra mình chưa đủ quyết tâm theo đuổi chọn lựa của mình đến cùng.

      2. Giả như được Bình tâm

  • Bình tâm là trạng thái bạn đã được tự do khỏi những bám víu. Lúc đó, động lực để giữ lại hoặc bỏ đi một của cải nào đó hoàn toàn do Chúa tác động, chứ không do ý riêng bạn.
  • Giả như bạn chưa từng một lần khát khao có được thứ bình tâm này, thì hãy xin Chúa cho bạn có được “khát khao để có được khát khao” về ơn bình tâm ấy

     3. Cầu nguyện với những điều ngược lại

  • Hãy cầu nguyện để sẵn sàng thực hiện những điều trái với những quyến luyến lệch lạc của bạn.
  • Xin Chúa cải hóa và sắp xếp lại con người bạn tận trong tâm tính và những ước muốn. Cầu xin khẩn thiết để Chúa ban cho bạn sự tự do nội tâm khỏi những ảnh hưởng của hệ tiêu chuẩn lệch lạc xưa.
  • Cầu nguyện với Chúa Giêsu để Ngài giải phóng bạn.
  1. Cầu nguyện với bài “Ba mẫu người” trong Linh thao (Lt 153 – 155)
  2. Thực hiện một vài hành vi sám hối
  • Như là những dấu chỉ thể hiện lòng quyết tâm thay đổi của bạn trước Chúa.
  1. Chờ đợi ơn tự do nội tâm đến

[3].   Về việc cầu nguyện trong tiến trình nhận định

Nhịp cầu nguyện này có thể chỉ là những khoảng lặng sâu xa trước Chúa của bạn. Cũng có thể là nửa giờ mỗi ngày trong một vài ngày liền. Cũng có thể là cầu nguyện với những đoạn Kinh thánh ưu thích của bạn. Bất cứ cách thức nào cũng được, miễn là giúp bạn nội tâm hóa những dữ kiện hoặc những quyết định khả dĩ. Nghĩa là, những quyết định sắp tới không còn ở bên ngoài bạn mà dần dà đi vào trong con tim bạn, trở nên một phần của đời bạn.

Chẳng có bí kíp nào giúp bạn nội tâm hóa cả. Bạn hãy cứ làm những gì tốt nhất bạn có thể, phần còn lại hãy để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Thế nên, bạn cứ hiện diện, cầu nguyện, và xin ơn Chúa. Rồi chăm chỉ xét gẫm để nhận biết những an ủi – sầu khổ thiêng liêng. Rồi trông chờ những ánh sáng của Chúa soi chiếu cho bạn thấy điều phải quyết định.

[4].   Về ơn xác chuẩn

Ơn xác chuẩn không như là một con dấu đỏ của Thiên Chúa cho chọn lựa của bạn. Để rồi từ đó, bạn cho là chọn lựa ấy hoàn toàn “là ý Trời” và sẽ thành công mỹ mãn. Đúng hơn, ơn xác chuẩn là một trực giác nội tâm mang tính riêng tư của bạn. Trực giác ấy, trong mức độ tự do nội tâm và suy nghĩ chín chắn, nói với bạn rằng chọn lựa trên là hợp lẽ trong bối cảnh này, với những dữ kiện này. Chính trực giác ấy mang lại niềm an ủi cho bạn. Và trong niềm tin, ta cũng thấy một trực giác như thế có sự tác động của Chúa Thánh Thần. Tóm lại, chọn lựa trước nhất vẫn được thực hiện nơi một con người mỏng giòn, giới hạn và lắm giằng co.

John A. Veltri, SJ.

Bảo Ân phỏng dịch

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

nineteen + four =