Bài 3: Chữa Lành Ký Ức

 Trong kỳ Linh thao, có thể rất nhiều lần bạn cảm nghiệm được sự thiếu tự do nơi mình. Bạn không thể đương đầu với bất cứ điều gì. Bạn không thể kiểm soát cơn giận. Bạn sợ hãi… Tắt một lời, bạn đang có vấn đề. Dù bạn có làm gì hay đang cầu nguyện đi nữa, vấn đề ấy vẫn đeo bám bạn. Bước đầu tiên là bạn nên tập khám phá ra gốc rễ của vấn đề kia. Một điều giúp nữa là bạn kể tình trạng ấy cho vị linh hướng nghe.

Gốc rễ của vấn đề có muôn hình vạn trạng. Đôi khi, những yếu đuối và mất tự do nơi bạn chỉ là do đời sống cầu nguyện của bạn chưa đủ. Hoặc do bạn chưa sẵn sàng đối diện với sự thật. Hoặc do bạn dễ chiều theo những ham thích riêng. Hoặc đời sống của bạn thiếu kỷ luật. Lúc khác, lại do bạn quá bận rộn hay đang mệt mỏi. Hoặc do bạn chưa thể tha thứ cho một ai đó. Những khi ấy, tâm tình sám hối là điều giúp bạn có được sự chữa lành.

Tuy nhiên, cũng có thể những vấn đề của bạn lại được bám rễ trong quá khứ, thậm chí là giai đoạn khi bạn “mới hoài thai” (Tv 51,7). Dẫu gia đình bạn có là mái ấm, dẫu tuổi thơ bạn có ngập tràn hạnh phúc đến mấy đi nữa thì vẫn luôn có cái gì đó bất toàn. Rồi dọc theo chiều dài của hành trình lớn lên, ít nhiều bạn nghiệm thấy những thứ áp bức của cơ chế, của luật lệ hay của người khác. Thế là, những vết thương âm thầm hằn khắc lên bạn theo năm tháng.

Có một lối cầu nguyện giúp cho việc chữa lành những trải nghiệm thương tổn trong quá khứ này. Đó là giờ cầu nguyện “chữa lành ký ức” (hay còn gọi là “chữa lành tâm lý”). Việc chữa lành này đặt nền trên niềm tin vào Đức Giêsu, Đấng là Chúa của thời gian: quá khứ, hiện tại, và tương lai; Đấng có sức mạnh hàn gắn những vết thương trong quá khứ.

Cách đây một thời gian, có một người phụ nữ nọ nói với một anh trong cộng đoàn Thánh Giuse của chúng tôi như sau: “Trong cậu còn nhiều cay đắng lắm”. Nhưng khi ấy và một thời gian dài sau đó, anh túi bụi với công việc nên câu nói kia cũng bị bỏ ngoài tai luôn. Với thời gian, lời nhắc nhở của người phụ nữ cứ âm vang trong anh. Dần dần anh nhận ra lời nói của anh đầy gai góc và lối hành xử của anh với tha nhân cũng lắm cộc cằn. Cuối cùng, anh tập cầu nguyện để vượt qua kinh nghiệm này và nhờ cầu nguyện anh đã nhận được ơn chữa lành lớn lao. Anh đã ghi lại kinh nghiệm kia như sau:

“… Rốt cuộc, tôi cũng dành giờ cầu nguyện để xin ơn chữa lành những vết thương trong quá khứ. Tôi bắt đầu ngồi lặng lẽ và ý thức Chúa đang hiện diện với mình. Tôi nhớ về tình Chúa yêu tôi và khát mong Ngài chữa lành tôi. Tôi xin Ngài gợi lại trong tâm trí tôi những ký ức về bao kinh nghiệm cay đắng mà tôi đã hằng chôn giấu.

Và dường như lập tức ký ức kéo tôi về với kỷ niệm ngày đầu tiên tại trường trung học, năm tôi 12 tuổi. Ngày đó tôi đang đứng dưới chân cầu thang của trường bên cạnh hai bạn trai to béo cùng lớp. Tôi nhớ rõ khuôn mặt và thậm chí cả tên của chúng. Lúc ấy, có một vị Linh mục đi ngang qua chỗ chúng tôi và tôi nhanh miệng chào ngài. Vì tôi đã giúp lễ cho ngài nhiều lần rồi mà. Hai thằng ấy không quen biết gì vị Linh mục, vậy mà chúng quay sang tôi và lên giọng chế giễu: “Bày đặt! thấy sang bắt quàng làm họ hả mày?”. Tôi vừa thấy quê vừa thấy bối rối. Tôi rất muốn kết bạn với chúng và cả các bạn khác nữa, nhưng như thể ngay từ bước đầu tôi đã đụng phải ‘ngôi sao xui xẻo’. Tôi chẳng thể hiểu nổi tại sao chỉ vì một lời chào mà tôi bị hiểu lầm. Sự việc này đã diễn ra cách đây hơn 25 năm. Và suốt khoảng thời gian đó tôi đã chẳng hề nhớ tới nó.

Trong kỳ tĩnh tâm này, tôi đã tha thứ cho hai thằng bạn kia. Tôi tưởng tượng mình đang ở trong khung cảnh của 25 năm trước, nhưng lần này có Chúa Giêsu bên cạnh tôi. Hai thằng bạn mập trở nên bối rối khi thấy Chúa Giêsu. Tôi thấy Chúa Giêsu tha thứ cho chúng và khuyên chúng nên biết yêu thương và cảm thông hơn. Rồi Ngài quay sang cậu bé nhỏ con đứng giữa (là tôi) và bảo: ‘Việc chào hỏi của con là rất đáng khen. Hai bạn kia có hơi quá lời và các bạn ấy sẽ xin lỗi con ngay.’. Tôi thực sự cảm nhận được tình thương của Ngài. Tôi thấy cậu bé nhỏ con bắt đầu mỉm cười, rồi tôi và hai thằng bạn mập cùng chung bước.

Trong suốt khóa Linh thao này, tôi đã cầu nguyện với khoảng 50 kinh nghiệm tương tự. Giờ tôi nhận thấy cách hành xử của tôi bớt gai góc và cộc cằn hơn rồi. Tạ ơn Chúa thôi.”

 

Những yếu tố của giờ cầu nguyện “chữa lành ký ức” khá đơn giản:

  1. Nhớ lại tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa.
  2. Xin Chúa Thánh Thần giúp ôn lại những kỷ niệm hay những trải nghiệm đau thương trong quá khứ đã ảnh hưởng trên bạn bây giờ.
  3. Thinh lặng và để cho những ký ức ấy trở về trong tâm trí.
  4. Hãy cùng với Chúa Giêsu quay về trải nghiệm ấy và nhìn xem cách Ngài sắp xếp lại những biến cố.
  5. Tạ ơn vì tình yêu và sự chữa lành của Ngài.

John A. Veltri, SJ.

Bảo Ân phỏng dịch.

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

15 − 12 =