Gods_will_and_purposeNhập nguyện

Xin cho con hiểu rằng muốn sống theo ý Chúa phải tự do, muốn tự do phải có thể từ bỏ, tự nguyện sống khó nghèo.

Suy chiêm

1. Muốn theo Chúa, phải tự do, muốn tự do phải từ bỏ

a. Muốn theo Chúa Giê-su phải tự do vì thế Ngài đòi hỏi phải tự do đối với người thân Lc 16,26-27; 9,59-62, tự do đối với của cải Lc 14,33, nhưng điều then chốt là bỏ mình Mc 8,34.

b. Cản trở không nằm ở người thân hay của cải mà ở thái độ của ta đối với chúng Lc 18,28-30

2. JL 29: Để được tự do yêu Chúa và thực thi ý Ngài

Bước theo Chúa Giê-su khó nghèo là tâm điểm của Tin Mừng, bạn đã được chuẩn bị để Thánh Thần xâm chiếm và ban cho bạn lòng yêu mến Chúa. Bạn tự hỏi: tôi phải xử trí như thế nào đối với những sự việc kết thành cuộc sống hằng ngày của tôi? Phải rũ bỏ hết hay phải khôn ngoan sử dụng chúng? Có nhiều Ki-tô hữu và cả tu sĩ ngày nay vẫn còn dừng trên bình diện đạo lý, khi họ muốn sống khó nghèo. Chúng ta không chỉ xét cách thực hành cụ thể mà còn phải xuống vực sâu của hiện hữu, của tự do trong lòng rồi sẽ thấy cụ thể phải làm gì. Xét cho cùng, đối tượng Tin Mừng không chỉ ở những điều bên ngoài mà thôi, nhưng ở trong cách thức chúng ta sở hữu những điều đó và tự do sử dụng chúng. Nếu không có sự tự do sâu xa ấy, bạn có thể khinh chê, xa lánh sự đời, hoặc quyến luyến bám víu vào chúng, trong cả hai trường hợp, bạn không thật sự yêu mến chúng.

Muốn được tự do thiêng liêng chân chính, bạn phải biết lùi lại, giữ một khoảng cách với các sự vật để đừng bị đồng hóa với chúng. Xét về mặt pháp lý bạn có quyền sử dụng, nhưng trong con tim, kể như bạn muốn từ bỏ chúng trước mặt Chúa rồi. Bạn giống như chàng thanh niên giàu có trong Tin Mừng rất hợp pháp đối với luật Chúa nhưng còn bị vướng mắc vì có nhiều của cải. Vấn đề không phải là vứt bỏ hết đi nhưng là chỉ muốn những gì Chúa muốn bạn làm. Vấn đề không phải là làm điều bạn cho là tốt nhất nhưng là làm điều trùng hợp với ý Chúa tỏ ra cho bạn.

Bạn cần nhận ra những điều phải từ bỏ tận căn: không chỉ là những của cải vật chất, những con người, những sự vật bao quanh bạn, mà cả đến những sinh hoạt của bạn, những tài năng, những khát vọng sâu xa nơi bạn, những ý nghĩ, nói tóm lại là trọn cả hữu thể của bạn. Bạn cũng có thể bị cám dỗ coi những thực tại trần thế như tạm bợ, chẳng đáng giá bao nhiêu; không phải như thế đâu, bạn đến với Chúa qua những thực tại đó: chúng được trao cho bạn để nhờ đó bạn phục vụ, yêu mến và tôn kính Chúa.

Thiên Chúa lớn lên trong bạn nhờ thái độ tích cực bạn có đối với mọi người, mọi sự. Tội là sử dụng cách sai trái những điều Thiên Chúa trao phó cho bạn. Thay vì dùng mọi sự vật để liên kết với nhau và yêu mến nhau thì lại dùng chúng để củng cố một thế giới thu hẹp quy về bạn như tâm điểm của thế giới. Bạn phải nhận ra chúng rất cần và tốt lành cho đời Ki-tô. Cần có một thái độ tích cực thì bạn mới có thể từ bỏ chúng mà không ân hận.

Muốn từ bỏ điều gì, dù là con người hay sự vật, bạn phải thật sự yêu mến chúng trước đã. Có vậy thì khi từ bỏ chúng, bạn mới duy trì được một tương quan mạnh mẽ, vì bạn rất tự do đối với chúng, và chỉ muốn chúng đạt tới đích của chúng mà thôi. K. Rahner viết: “Điều chưa bao giờ là đối tượng của một quyết định, vì chưa bao giờ hình dung nó như thế nào, chưa là điều đáng kể, chưa là điều đáng để tôi quyết định tự do từ bỏ”. Người hay sự vật tôi từ bỏ phải là đối tượng của một quyết định đích thực.

Đây là tiến trình của việc Nhập Thể Cứu chuộc, Đức Giê-su đã đưa lên thập giá và cho trải qua cái chết với Ngài tất cả thực tại của thế giới và con người. Qua thập giá và sự chết, ta mới lấy lại được điều ta từ tỏ trong vinh quang Thiên Chúa. Tình yêu và từ bỏ không phải chỉ là hai thái độ khác nhau, xếp cạnh bên nhau, mà là hai bước của một đà chuyển vận. Trong cái chết, con người tách mình ra khỏi mọi sự, nhưng cùng một trật, sự sống lại hồi sinh một tương quan tích cực với mọi sự đã được biến đổi. Đó chính là điều Chúa Ki-tô muốn nói khi Ngài hứa cho các tông đồ gấp trăm những gì các ông đã từ bỏ để theo Ngài: “Thầy bảo thật anh em, chẳng ai bỏ nhà cửa, vợ con, anh em họ hàng vì Nước Thiên Chúa, mà không được gấp bội ở đời này, và đời sau, lại không được sự sống đời đời” (Lc 18,29-30).

a. Sống khó nghèo là để được tự do (1-2)

b. Từ bỏ không hệ tại ở vật bỏ đi mà ở thái độ (3-6)

3. Hiến tế vật quý nhất để được bình tâm JL 30

a. Tại sao Chúa Giê-su lại đòi người thủ lãnh giàu có bán tất cả gia sản phân phát cho người nghèo?

Tại sao Thiên Chúa lại đòi Apraham hiến tế Isaác?
St 22,1-13. Những đòi hỏi ấy giải phóng người ta như thế nào? Giúp người ta bình tâm ra sao?

b. JL 30 có ý kiến gì?

Muốn hiểu từ bỏ mình là gì, bạn hãy đọc lại Lời Chúa Ki-tô khuyên chàng thanh niên giàu có trong Tin Mừng, kế đó Ngài nhận định về nguy cơ có nhiều của cải; bạn cũng hãy noi gương từ bỏ của Áp-ra-ham để thấy phải thực hiện sự từ bỏ như thế nào. Khi nói với chàng thanh niên cũng như với ông Áp-ra-ham, Thiên Chúa yêu cầu cho Ngài điều tốt nhất, điều yêu quý nhất: “đứa con một yêu dấu”. Tất cả những gì bạn có là do hồng ân Chúa ban, hãy sẵn sàng trao ngay lại cho Ngài.

Những lý lẽ của loài người không thể cắt nghĩa sự hiến tế của Áp-ra-ham, mà chỉ hiểu được trong đức tin và yêu mến. Ông Áp-ra-ham, cũng như Đức Ma-ri-a và các tông đồ, đều phó thác hoàn toàn cho Chúa trong đức tin, với một niềm cậy trông: “Thưa con đây”. Trong cầu nguyện, bạn cần thực sự thuộc về Thiên Chúa, phó nộp cho Chúa, thánh hiến cho Ngài trong tự do. Bạn đã phó nộp bản thân cho Chúa, không tính toán, và đã xác tín rằng Chúa sẽ tiên liệu mọi sự cho bạn. Hành vi tín thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa toàn năng có thể làm cho người chết sống lại, nhưng bạn phải biết buông thả điều bạn quý yêu nhất.

Để được như vậy, bạn cần dứt vỏ những điều gì khiến bạn chưa tin đủ vào Chúa. Mọi sự trên đời này đều tốt, bạn phải nhờ vào sức mạnh của ân sủng và tình yêu của Chúa thì mới sử dụng chúng cho đúng. Thái độ bình tâm đối với mọi sự và mọi người không dễ đạt đâu. Bạn luôn bị cám dỗ bám chặt vào những điều bao quanh bạn. Thao luyện để tháo gỡ những vướng mắc cho ý chí bạn được tự do trên mọi bình diện, từ tình cảm, hành động, đến thể lý nữa. Trong Linh Thao, thánh I-nhã nêu thái độ phải có khi ngài mô tả người thứ ba:

Mẫu người thứ ba muốn diệt trừ lòng quyến luyến ấy, mà họ muốn đến nỗi, chẳng còn tha thiết tới việc giữ hay không giữ của đã kiếm được, mà chỉ mang trong lòng một điều là muốn hay không muốn giữ của ấy tùy theo Thiên Chúa, Chúa chúng ta sẽ thôi thúc ý chí họ, và chính họ thấy tốt hơn cho việc phụng sự và ngợi khen Thiên Chúa. Trong khi chờ đợi, họ muốn coi mình như đã từ bỏ hết mọi sự trong tâm hồn và cố sức không muốn sự này hay sự khác nếu họ không được thúc đẩy bởi nguyên một việc phụng sự Chúa mà thôi. Như thế, chính ý muốn được phụng sự Thiên Chúa, Chúa chúng ta hơn, thúc đẩy họ lấy hoặc bỏ của ấy” (LT 155).

Điều cần đạt tới là chỉ còn muốn mọi sự tùy theo ý Chúa mà thôi. Trong bình tâm, phần chủ động của bạn cũng quan trọng và tùy thuộc vào một quyết định tự do của bạn, đồng thời bạn cũng để Chúa làm. Thánh I-nhã nói rõ là Thiên Chúa hoạt động qua ý chí của bạn sẵn sàng tiếp nhận sáng kiến của Chúa, để Chúa tự do hành động cho bạn. Một bên chủ động, một bên phó thác cho Chúa như đứa con thảo. Chỉ có Thiên Chúa mới biết rõ những điều tốt lành cho bạn, những phương tiện giúp bạn trở nên nghèo khó. Có những điều gắn bó với hiện hữu của bạn đến nỗi bạn không thể tự mình dứt bỏ được. Hãy để Chúa hành động qua những biến cố và những hoàn cảnh cuộc sống dẫn đưa đến, để bạn nên nghèo hơn. Chính là điều khó thực hiện nhất để được bình tâm.

Bạn sẽ choáng váng khi Chúa cất đi điều gì: bạn mất một người thân, một người mang đến an toàn cho bạn. Khi đó bạn cảm thấy một sự trống rỗng, khi ấy bạn mới thấy rõ Thiên Chúa chưa phải là Đấng bạn cậy dựa hoàn toàn.

Xét cho cùng, khó nghèo chân chính là phó thác hoàn toàn như một trẻ thơ trong vòng tay Chúa, tha thiết yêu Ngài đến nỗi chỉ vui sướng vì theo ý Ngài mà thôi.

Kết nguyện

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

4 Responses to Từ bỏ tự do và theo ý Chúa

  1. Mai Nguyen says:

    Lạy Chúa xin cho con biết từ bỏ đi những thứ mau hư mất những của cải đó làm cho con xa lìa Thiên Chúa ,vì con nghĩ nó sẻ bảo đảm cho sự sống của con đời đời ,xin cho con có một tâm tình đơn sơ không vướng bận bất cứ một thứ gì tồn tại chỉ Tình yêu của Chúa sẻ đưa con đến bến tình yêu ,

  2. "Muốn từ bỏ điều gì, dù là con người hay sự vật, bạn phải thật sự yêu mến chúng trước đã. Có vậy thì khi từ bỏ chúng, bạn mới duy trì được một tương quan mạnh mẽ, vì bạn rất tự do đối với chúng, và chỉ muốn chúng đạt tới đích của chúng mà thôi. K. Rahner viết: “Điều chưa bao giờ là đối tượng của một quyết định, vì chưa bao giờ hình dung nó như thế nào, chưa là điều đáng kể, chưa là điều đáng để tôi quyết định tự do từ bỏ”. Người hay sự vật tôi từ bỏ phải là đối tượng của một quyết định đích thực."

    Nhưng khi yêu mến rồi thì thật khó để từ bỏ!

  3. Nếu từ bỏ, tôi sẽ bắt đầu từ bỏ điều gì, cái gì và tại sao? Nếu điều tôi nguyện từ bỏ có ích cho bản thân, gia đình, cộng đoàn, xin Chúa giúp tôi có ý chí, kiên định để đạt được mục tiêu, giống như Thánh Phao Lô nói : Tôi đã chạy đến cùng đường và…; Tôi coi mọi sự là phân bón ngoại trừ Đức Ki tô.

  4. …………………………………..

Leave a Reply to Nhật Nguyễn Cancel reply

Your email address will not be published.

1 × 3 =