gtg-in-gods-eyes-300x225

Ở giữa cuốn sách Linh Thao, thánh I-nhã dành một phần quan trọng cho điều mà ngài gọi là “cuộc tuyển chọn” (Election), nhằm giúp người làm Linh Thao làm một chọn lựa, một quyết định liên quan đến tương lai (Linh Thao 169-189). Cũng thế, ở giữa sách Tự Thuật, trên đường trở về từ Giê-ru-sa-lem, thánh I-nhã mô tả quyết định, vốn sẽ làm cho cuộc đời ngài thay đổi: “Một khi vị khách hành hương hiểu ra rằng ý Thiên Chúa không muốn ông ở lại Giêrusalem, ông đã không ngừng tự hỏi với chính mình: quid agendum? 4Sau cùng, ông nghiêng chiều hơn về việc học hành một thời gian để có thể giúp đỡ các linh hồn và ông quyết định đi đến Barcelona” (Tự Thuật 50). Thực vậy, quyết định dấn thân vào trong thế giới của nền văn hóa ngang qua phương tiện học tập đã làm nên bước ngoặt trong cuộc đời của thánh I-nhã, kể từ khi được ơn biến đổi : ngài đã là người hành hương đơn độc, hoàn toàn bận tâm với những việc thiêng liêng và ước ao chia sẻ ngay tức khắc kinh nghiệm của mình. Nhưng với quyết định này, ngài sẽ trở nên con người xã hội, sẽ học những môn học nhân văn, sẽ qui tụ các bạn, sẽ thông truyền rộng rãi kinh nghiệm của mình bằng cách viết sách Linh Thao, sẽ đặt mình vào việc phục vụ Giáo Hội bằng cách sáng lập cùng với các bạn, một dòng tu mới.

Một quyết định, một chọn lựa … Thánh I-nhã thích dùng từ ngữ của Kinh Thánh hơn, « tuyển chọn », để diễn tả rõ hơn rằng, quyết định không phải là hoa trái của những nỗ lực cá nhân, nhưng nó được đón nhận như là một giao ước giữa hai đối tác. Ở núi Sinai, Thiên Chúa đã tuyển chọn một dân tộc, đã cam kết đối với dân tộc này; để đáp lại, dân tộc này đã chấp thuận giao ước bằng cách chọn Thiên Chúa làm Đức Chúa của mình và bằng cách cam kết tuân giữ lề luật của Người (Xh 19, 1-8).

Linh Thao không phải chỉ là một cuộc tĩnh tâm, để người ta đến tìm lại sức lực trong thinh lặng và cầu nguyện. Mục đích của Linh Thao rất đặc biệt: “tìm kiếm và tìm ra ý Chúa trong việc sắp xếp đời mình”, “chỉ ước muốn và lựa chọn cái gì dẫn đưa chúng ta tới cứu cánh của mình hơn cả” (Linh Thao 1 và 23). Nói cách khác, Linh Thao có mục đích chọn lựa điều Thiên Chúa chọn cho tôi, với tất cả sự sáng suốt và tự do.

Chúng ta có thể nói, tuyển chọn có dáng dấp của sự yêu chuộng. Yêu chuộng là lựa chọn với lòng mến, cũng như, nơi các Ngôn Sứ, giao ước được diễn tả bởi tương quan giữa hai vợ chồng. Thiên Chúa không áp đặt ý muốn của mình. Tìm kiếm ý muốn của Chúa rốt cuộc là tìm kiếm Chúa, tìm kiếm chính Chúa. Có thể nói, tuyển chọn là một giao ước của hai lòng ước ao, vốn đã đến gặp gỡ nhau rồi.

Chính vì thế, tuyển chọn không phải là chọn điều tự nó là tốt nhất, nhưng là chọn điều được nhận ra là tốt nhất đối với tôi. Chúng ta có thể nghĩ rằng, đời sống dâng hiến, với ba lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, tự nó là hoàn hảo hơn đời sống ở ngoài đời. Nhưng thánh I-nhã đề nghị chúng ta phải cẩn trọng với cách nghĩ này: “phải rất cẩn thận để nhận biết rõ ràng tính tình và khả năng của người luyện tập và xem họ có thể được ích hay gặp cản trở trong sự chu toàn điều họ muốn khấn hứa.” (Linh Thao 14)

Trong việc tuyển chọn, cần phải cân nhắc những gì có thể và những gì không thể, những gì thu hút và những gì không thu hút, những thuận lợi và những bất lợi. Với những quyết định thuần túy nhân bản, kiểu lượng giá này chỉ dừng lại ở việc dự kiến những viễn tượng mở hay đóng ở mỗi khả thể, thánh I-nhã mời gọi xem xét những điều đó trong viễn tượng của cứu cánh: ca tụng và phục vụ Chúa, vốn là cách thế duy nhất để cứu lấy sự sống của mình, để hiện hữu cách tròn đầy, để đón nhận mình từ Thiên Chúa như là người con, được tháp nhập vào trong sứ mạng của Chúa Con. Cứu cánh này được phát biểu ngay từ đầu sách Linh Thao, và trở thành cụ thể từ từ ngang qua việc chiêm ngắm các mầu nhiệm cuộc đời Đức Kitô, là Đấng sống hết mình cho kế hoạch của Chúa Cha và cho việc phục vụ con người.

Chính trong hành trình chiêm ngắm các mầu nhiệm cuộc đời Đức Kitô, mà các chuyển động nội tâm nói trên diễn ra. Điều này cần có thời gian, vì Lời Chúa không tạo ra tức thì hiệu quả an ủi. Lời Chúa cũng gặp phải những phản kháng; chính vì thế mà, thư Do Thái so sánh Lời Chúa với con dao hai lưỡi (Dt 4, 12). Sự xâu xé sâu kín mà Lời Chúa tạo ra, có thể lúc đầu làm phát sinh ra tâm tình buồn rầu và nhụt chí. Nhưng nếu chúng ta can đảm kiên trì, sầu khổ sẽ qua đi và ánh sáng bắt đầu phát sinh. Con tim của chúng ta lúc đó sẽ hướng về một phía, tương tự như đóa hoa hướng về mặt trời, về phía mà nơi đó có ánh sáng sống động nhất, rực rỡ nhất, kèm theo niềm vui và bình an. Còn đối tượng kia của việc lựa chọn thì ở lại trong bóng tối. Khi đó, việc tuyển chọn đã được tiếp nhận.

Đọc lại kinh nghiệm về những an ủi và sầu khổ trong thời gian các cuộc chiêm niệm được thực hiện một cách trung thành, bình thường là đủ để nhận ra lòng ước ao hướng về đâu, nhằm gặp gỡ lòng ước ao của Thiên Chúa. Chúng ta có thể kiểm chứng lòng ước ao của mình bằng cách dựa vào qui tắc sau đây của thánh I-nhã, để làm cuộc tuyển chọn tốt lành: “Lòng yêu mến đánh động và làm cho tôi lựa chọn điều nào đó, phải từ trên mà xuống, từ tình yêu Thiên Chúa, như thế người lựa chọn trước hết phải cảm thấy trong lòng rằng tình yêu mến nhiều hay ít đối với điều họ chọn, hoàn toàn hướng về Đấng Tạo Hóa và Chúa họ.” (Linh Thao 184) Qui tắc này đưa ra ba tiêu chuẩn để xác minh:

a. Tình yêu đã hướng dẫn sự lựa chọn; đó chính là điều kiện làm cho sự lựa chọn được “tốt lành”. Người tốt lành trong tâm hồn chỉ lựa chọn điều mình yêu mến, điều đối với mình là tốt đẹp, chẳng hạn một sự vật, một người hay một dự án… Tuy nhiên, điều kiện không thể thiếu này, vẫn chưa đủ, vì tình yêu cư ngụ trong tôi, có thể chỉ thuần túy thuộc bình diện cảm xúc, hời hợt, và sức cuốn hút mà tôi cảm nhận được không phải là một sự bảo đảm.

b. Chính vì thế, tình yêu này phải “từ trên mà xuống, bởi tình yêu Thiên Chúa”. Chính các bài chiêm niệm đã hướng cái nhìn của tôi về “phía trên”, về công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa và cũng chính các bài chiêm niệm đã đồng hành với “chuyển động đi xuống của tình yêu” hướng về “phía dưới”, nơi Ngôi Vị của Ngôi Lời nhập thể. Ngay cả khi tình yêu này hướng về một đối tượng khả giác, thì nó vẫn vượt qua bình diện khả giác. Một tình yêu như thế, sẽ giúp tôi vượt thắng những cảm giác ghê sợ mà tôi có thể cảm thấy, khi nghĩ đến những hệ quả của việc lựa chọn.

c. Do đó, “tình yêu mến nhiều hay ít đối với điều họ chọn, hoàn toàn hướng về Đấng Tạo Hóa và Chúa họ.” Tương ứng với chuyển động đi xuống là chuyển động đi lên. Tôi cảm thấy điều đó trong tôi: tôi cảm thấy rằng, lựa chọn này làm cho tôi vui thỏa, bởi vì tôi yêu thích, và rằng, lựa chọn làm hài lòng Thiên Chúa, bởi vì nó đến từ Người và mang lại cho tôi phương thế để hướng lên Người, bằng cách sống và làm việc trong niềm vui nhằm ca tụng và phục vụ Người.

Đó chính là một cuộc tuyển chọn tốt lành.

 

———–

Nên đọc:

  • Xh 19, 1-8: giao ước được đề nghị và được chập thuận
  • Ô-sê 2, 16-25: “Ta sẽ nói với con tim của ngươi”
  • Ga 15, 1-17: “Thầy đã chọn anh em” 

(Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc,SJ)

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

four × two =