prayer-conversations

Một cái nhìn của Đức Giêsu trong sân dinh Thượng Tế (Lc 22, 61), ai đó gọi tên của mình trong khu vườn (Ga 20, 16) đã đụng chạm đến con tim của Phê-rô và Maria Magdala. Phê-rô, kẻ chối bỏ, đã tuôn trào nước mắt hối lỗi và yêu mến, Maria đã thấy lời loan báo của ĐGS được thực hiện cho bà: “Nỗi buồn của anh em sẽ chuyển thành niềm vui” (Ga 16, 20). Nếu chúng ta không còn có sự hiện diện thể lí của Đức Giêsu nữa, Thiên Chúa vẫn không thay đổi cách thức Người gặp gỡ chúng ta: Người đụng chạm đến con tim của chúng ta.

“Cảm” là một trong những từ ngữ xuất hiện nhiều nhất trong ngôn từ của thánh I-nhã. Đó không phải là một tình cảm nhợt nhạt, một cảm xúc chóng qua, nhưng là một sự hiểu biết in sâu trong tâm hồn: “cảm được một sự hiểu biết bên trong”, thánh I-nhã đã viết một cách nghịch lí như thế (Linh Thao 63). Một sự hiểu biết không thuộc bình diện kiến thức mà chúng ta có thể thu lượm được trong một cuốn sách hay trong một bài thuyết giảng. Sự hiểu biết này là một kinh nghiệm về Thiên Chúa.

Bởi vì ngài đã có kinh nghiệm này, nên thánh I-nhã xác tín rằng, kinh nghiệm này là có thể đối với tất cả mọi người, vì Thiên Chúa muốn thông truyền chính mình. Điều này có nghĩa là, một mình Thiên Chúa có sáng kiến và đi bước trước và không có một nỗ lực nào của con người tự mình làm được. Tuy nhiên, cần thiết phải chuẩn bị mình, cụ thể là bằng các bài linh thao: cầu nguyện, đọc lại giờ cầu nguyện, sống và đọc lại cuộc sống. Và tôi chú ý đến những gì diễn ra trong tôi. Vậy thì, điều gì diễn ra?

Bởi vì con người là một hữu thể có giác quan, nên Thiên Chúa hay sử dụng một trung gian khả giác. Chính vì thế, khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta được đề nghị khởi đi từ một bản văn Tin Mừng và thấm nhuần bản văn, như thể chúng ta hiện diện trong câu chuyện đang diễn ra trước mắt chúng ta: nhìn các nhân vật, lắng nghe những gì các nhận vật nói, quan sát những gì các nhân vật làm. Như thế, bản văn trở nên sống động, và rồi xẩy ra là, một lời nói, một cử chỉ mà tôi nghe hay tôi thấy như thể lời ấy hay cử chỉ ấy dành cho tôi, đụng chạm đến tôi một cách đích thân. Tôi được đánh động trong tim của mình. Khi đó, không còn là vấn đề vận dụng trí khôn nữa, để tìm ra những ý tưởng, “vì không phải có nhiều ý tưởng mới làm no thỏa tâm hồn, nhưng là cảm và nếm các thực tại trong nội tâm” (Linh Thao 2). Khi ấy, hành động của Thiên Chúa được tỏ lộ ra ngang qua kinh nghiệm “con tim bừng cháy”: niềm vui, bình an, nghỉ ngơi, lấy lại can đảm và sức lực, ước ao đi tới (Linh Thao 315 và 329).

Những lúc khác, ngoài giờ cầu nguyện, cũng xẩy ra điều tương tự, ngang qua trung gian của mọi biến cố tác động trên tâm hồn chúng ta: khám phá một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ hay hài hòa, một tin vui, một lời nói hay một cử chỉ thân thiện… Niềm vui mà chúng ta cảm nhận được có thể còn hàm hồ. Dấu chỉ giúp chúng ta nhận ra hành động của Thiên Chúa hệ ở chuyển động sâu kín trong tâm hồn: nếu tôi đặt biến cố này trong tương quan với Chúa, nếu biến cố này thúc đẩy tôi đến tâm tình tạ ơn, và nếu biến cố này hướng tôi đến với người khác, thì khi đó, Thiên Chúa đang hành động. Tôi sẽ nhận ra Người bằng cách đọc lại ngày sống của tôi: “Đức Chúa đã có đó và tôi đã không nhận ra” (Kn 28, 16).

Đôi khi Thiên Chúa hành động mà không cần đến trung gian: giờ cầu nguyện của tôi không có gì nổi bật, bản văn Kinh Thánh chẳng nói với tôi điều gì, hoặc tôi dấn mình vào một công việc xem ra chẳng có liên quan đến Thiên Chúa, nhưng bỗng dưng, tôi cảm thấy một sức nóng nội tâm xâm nhập. Tôi được thúc đẩy yêu mến một mình Chúa và yêu mến mọi tạo vật trong Chúa. Tôi cảm thấy được mời gọi và được lôi kéo bởi một chuyển động mạnh mẽ của đức tin, đức cậy và đức mến. Tôi cảm thấy được bình an và nghỉ ngơi khi phó thác nơi Chúa, Đấng Tạo Dựng nên tôi (Linh Thao 316). Trong trường hợp này, không hề có ảo tưởng hay sự hàm hồ: chỉ có một mình Thiên Chúa có thể hành động như thế, bởi vì Người là Đấng Tạo Hóa: “Ra, vào, làm phát sinh trong tâm hồn một chuyển động, hướng trọn vẹn tâm hồn đến tình yêu Chúa” (Linh Thao 330). Những từ ngữ mà thánh I-nhã dùng nhấn mạnh đến sự tự do tối cao và sáng tạo của Thiên Chúa, bất chợt xâm chiếm con tim của con người, và đặt tự do của con người vào trong một chuyển động hướng về Người. Chính vì thế, trong hành trình Linh Thao, thánh I-nhã lưu ý người đồng hành không được xen vô, để cho kinh nghiệm này có thể xẩy ra: “người giúp Linh Thao hãy để cho Đấng Tạo Hóa hành động trực tiếp với tạo vật của Người và để cho tạo vật gặp gỡ trực tiếp Đấng Tạo Hóa và Chúa của mình” (Linh Thao 15).

Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý điều này: ơn an ủi thiêng liêng này bình thường không chứa đựng một sứ điệp rõ ràng nào cả, như thể Thiên Chúa nói rõ điều nên làm. Chúng ta vẫn phải vận dụng trí khôn để đọc ra ý nghĩa của các chuyển động nội tâm. Ơn an ủi thiêng liêng thì rất quí giá, để khám phá ra ý muốn của Thiên Chúa. Nhưng ơn này không miễn trừ cho chúng ta phải đi tìm ý của Người.

———

Nên đọc:

  • Tv 34: “hãy cảm nếm và hãy nhìn xem, cho biết Thiên Chúa thiện hảo dường bao”
  • Tv 16: “Trước thánh nhan, ôi vui sướng tràn đầy”
  • Lc 10, 38-42: phần tốt nhất
  • Ga 5, 22-26: những hoa trái của Thần Khí

(Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc,SJ)

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

seventeen − 1 =