0000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000

Chiêm ngắm các mầu nhiệm của Đức Giê-su, được kể lại trong các Tin Mừng từng bước một, người làm Linh Thao học sống với Đức Giê-su trong tương quan “bạn đồng hành”; đó là điều mà chính Đức Giê-su mời gọi ngay từ bài Tiếng Gọi: từ mầu nhiệm Nhập Thể cho đến mầu nhiệm cuối cùng, là mầu nhiệm Lên Trời của Chúa: “Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa” (Cv 1, 9). Thánh I-nhã đã muốn đi theo con đường này một cách thực sự.

Ngay trong thời gian dưỡng thương ở Loyola, thánh I-nhã đã có dự định đi Giêrusalem. Sau này, ngài quyết định sống suốt đời ở đó để đi theo Đức Ki-tô, bằng cách đặt chân của mình vào vết chân của Người và giúp đỡ các linh hồn. Nhưng những người canh giữ Đất Thánh đã không cho phép và buộc ngài trở về cùng với những người hành hương khác. Khi đó, ngài đến núi Cây Dầu và ngài kể lại trong cuốn Tự Thuật: “ông bừng cháy ước nguyện đi viếng núi Oliu một lần nữa trước khi ra về. Ở núi Ô-liu có một phiến đá Chúa Giê-su đã đứng trên đó trước khi lên trời, và ngày nay người ta còn thấy dấu vết hai bàn chân Chúa”. Rồi ngài trở lại lần nữa, bất chấp lệnh cấm, bởi vì “ông chưa để ý bàn chân phải của Chúa quay về hướng nào” (TT 47). Đó là sự ngây thơ của một người mất hướng đi; tương tự như các môn đệ, họ cảm thấy hụt hẫng một lúc, khi chứng kiến Chúa lên trời. Đôi khi, đó cũng là trường hợp của chúng ta, chẳng hạn vào đêm cuối cùng của kỳ Linh Thao, chúng ta lo lắng khi nghĩ đến lúc phải trở về với thế giới đời thường, nơi đó sự hiện diện của Đức Giê-su thì không luôn luôn rõ ràng.

Có lẽ khi đó, thánh I-nhã đã nhớ lại bài học cuối cùng mà ngài đã nhận được ở Manresa: “Một lần kia, với lòng sốt mến, ông ta đi đến một nhà thờ cách Manresa chừng một dặm: tôi tin rằng đó là nhà thờ Thánh Phaolô và nơi có con đường chạy dọc theo con sông. Với tất cả lòng sốt mến của mình, ông ta chuẩn bị ngồi xuống một chút, mặt hướng về dòng sông đang chảy phía dưới. Đang khi ngồi ở đó, con mắt trí hiểu của ông ta bắt đầu mở ra. Không phải là ông thấy một thị kiến, nhưng ông ta thấu hiểu và nhận biết vô số điều, cả những điều thiêng liêng lẫn những điều liên quan đến đức tin và phong hoá, và điều đó xảy ra với một sự soi sáng lớn lao đến nỗi tất cả  những điều này có vẻ mới mẻ đối với ông. Và ngưới ta không thể giải thích được mọi điểm đặc thù mà ông ta hiểu được lúc đó, mặc dù có rất nhiều điều, nếu đó không phải là ông đã lãnh nhận được một sự rõ ràng phi thường trong trí hiểu của ông; đến nỗi trong tất cả cuộc đời, cho đến sáu mươi hai năm đã qua, nếu ông tập hợp lại tất cả những sự trợ giúp mà ông đã nhận được từ Thiên Chúa và tất cả những sự việc mà ông đã biết được, dù cộng chung lại với nhau, dường như đối với ông cũng không bằng điều ông lãnh nhận được từ một lần duy nhất này (Và điều này đã xảy ra theo cách thức soi sáng trí hiểu của cha đến nỗi dường như cha trở nên như một con người khác và có được một trí khôn khác với trí khôn mà cha đã có trước đây) (TT 30).

Chúng ta không biết chi tiết những gì thánh I-nhã đã biết và đã hiểu, nhưng chúng ta có thể ghi nhận ba điểm sau đây, vốn là những điểm then chốt của linh đạo I-nhã.

a. Trước hết đó là nơi chốn của ơn soi sáng, là điều mà thánh nhân đã mô tả với những chi tiết chính xác: đang đi, ngài dừng lại, ngồi xuống và mắt hướng về dòng sông đang chảy (sông Cardoner). Và ngay lúc đó, không phải là một thị kiến đặc biệt, con mắt trí khôn của ngài được mở ra. Chính khi nhìn xuống “phía dưới” mà ngài đã hiểu được những điều thuộc về Thiên Chúa. “Phía dưới”, đó là một dòng sông trôi chảy, tương tự như những biến cố của lịch sử trôi chảy dưới mắt của chúng ta, và chúng ta nhận ra sự hài hòa của các biến cố một cách rất khó khăn; và các biến cố của cuộc đời mỗi người chúng ta cũng tương tự như thế, rất bất ngờ và đôi khi làm đảo lộn.

b. Thánh I-nhã đã hiểu. Tương tự như trong những lúc đặc biệt nào đó, trong một cuộc tìm kiếm lâu dài và kiên nhẫn: các yếu tố của một vấn đề trước kia tỏ ra rời rạc, nan giải bỗng nhiên được xếp đặt có trật tự trong tâm trí, và rồi tất cả qui tụ lại với nhau và tương quan giữa chúng được tâm trí nhận biết: “Tôi hiểu ra rồi!” Đối với thánh I-nhã, thế giới trở nên hài hòa, được định hướng; mọi sự đều có ý nghĩa và có hướng đi.

c. Sự hiểu biết này không giới hạn trong bình diện “thiêng liêng”, nhưng như ngài nói, có liên quan đến những điều thuộc về đức tin; đó là những dữ kiện của Mặc Khải, vốn là những điều thường hay đụng chạm đến lí trí con người. Vào lúc đó, những điều này liên kết với nhau trong một tổng thể và soi sáng cho nhau. Ở bờ sông Cardoner, thánh I-nhã đã đi vào trong cuộc đối thoại liên lỉ của trí khôn chất vấn đức tin, và của đức tin thúc đẩy sự tìm kiếm của trí khôn.

Thánh I-nhã còn nói, và điều ngày còn đáng kinh ngạc hơn nữa, rằng ngài đã hiểu cả những gì liên quan đến “kiến thức” (las letras) nữa. Trong ngôn ngữ thuộc thời đại của ngài, từ ngữ này phải được hiểu là tất cả những gì làm cho một người trở nên “có học”, nghĩa là có khả năng biết đến những lãnh vực khác nhau của nền văn hóa theo nghĩa rộng. Thực vậy, văn hóa diễn tả nỗ lực của con người để làm chủ và biến đổi thiên nhiên: văn chương, nghệ thuật, khoa học, kinh tế và chính trị.

Tóm lại, không có gì thuộc về con người bị loại ra ngoài trong ơn soi sáng thần linh mà thánh I-nhã đã nhận được: “mọi sự trở nên mới mẻ… đến độ dường như ngài trở nên một con người khác”. Vậy đâu là điều mới mẻ bỗng nhiên được hiểu thấu? Sự mới mẻ này đã làm cho thánh I-nhã đã trở nên con người mới như thế nào? Bài chiêm niệm cuối cùng của hành trình Linh Thao sẽ mang lại câu trả lời cho hai câu hỏi này.

(1) Trong hành trình Linh Thao, mầu nhiệm cuối cùng của cuộc đời Đức Giê-su là mầu nhiệm Lên Trời. Vào lúc mà Đức Giê-su “đi khuất khỏi tầm mắt”, thánh I-nhã mời gọi chúng ta đóng lại cuốn sách Tin Mừng và mở ra cuốn sách thế giới, nhưng để đọc ra ở đó cùng một sứ điệp, khi chúng ta trở về với những công việc và lo toan của đời sống bình thường. Đó là bài “Chiêm Niệm để được Tình Yêu” (LT 230-237).

Một bài chiêm niệm giả định phải có điều gì đó để nhìn. Nhưng, đó là cái nhìn của đức tin, “như thể bạn thấy điều vô hình”. Điều được dành cho đôi mắt thể lí của chúng ta, đó là thế giới và lịch sử của nó, đó là đời sống của tôi và những thăng trầm. Nhưng khi tưởng nhớ lại quá khứ trong đức tin, tôi có thể nhận ra ở đó có cả một con đường, dưới ánh sáng của hành trình mà tôi đã thực hiện trong Linh Thao; và tôi nhận ra rằng, đó là con đường của ân sủng, qua đó Thánh Linh của Thiên Chúa đã hướng dẫn tôi (LT 234).

Khởi đi từ kinh nghiệm này, đôi mắt của tôi có thể hướng ra thế giới và lịch sử của nó: tương tự như Ngôi Lời trở thành xác phàm để ở giữa chúng ta, tôi chiêm ngắm Thiên Chúa cư ngụ nơi các tạo vật như thế nào (LT 235); tương tự như Đức Giê-su đã làm việc trong lao nhọc và gian khổ, tôi chiêm ngắm Thiên Chúa làm việc và lao khổ trong những nỗi đau của con người và trong thế giới sáng tạo, vốn đang rên xiết với cơn đau trong quá trình sinh ra của ơn giải thoát (LT 236 và Rm 8, 21-22). Khi đó, tôi hiểu ra rằng, mọi sự đều có ý nghĩa, bởi vì chính ở trong thế giới và trong một lịch sử, mà hành trình đi xuống của tình yêu được hoàn tất; đó là tình yêu đã được chiêm ngắm thật lâu trong suốt hành trình Linh Thao (LT 237). Đó chính là điều thánh I-nhã đã hiểu ở Cardoner.

(2) Và thánh I-nhã đã trở nên “một người khác”; vậy “con người khác” là con người nào? Những gì xẩy ra sau đó trong cuộc đời của ngài sẽ giúp chúng ta hiểu. Nhưng ngay vào lúc đó, ngài được đưa vào trong một chuyển động, trong đó ngài cảm thấy mình được hòa nhập với toàn thể thế giới sáng tạo. Đó là một con người tự do, được giải thoát khỏi những quyến rũ giả tạo, khi phải đối diện với tất cả những gì sẽ xẩy ra cho ngài sau này. Thánh I-nhã đã tạ ơn Chúa (TT 31), bằng cách dâng cho Người sự tự do mới mẻ này, để dấn mình vào tương lai mà Chúa sẽ tỏ bày ra cho ngài trong không gian và thời gian, ngang qua những con đường chật hẹp hay thông thoáng, thành công và thất bại, bạn hữu và thù nghịch… Vì thế, ngài có thể thưa với Chúa:

Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu và toàn thể ý chí con, tất cả những gì con có và làm chủ. Chúa đã ban cho con tất cả. Lạy Chúa, con xin dâng lại Chúa tất cả. Tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa. Xin Chúa ban cho con tình yêu và ân sủng Chúa. Đối với con, thế là đủ (LT 234).

Đọc thêm:

  • Châm ngôn 8, 22-31: “Ngày ngày, Đức Khôn ngoan nói, ta là niềm vui của Người, trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người”.
  • Khôn ngoan 7, 22-8,1: “Đức Khôn ngoan của Thiên Chúa tỏ bày sức mạnh của mình từ điểm tận cùng này đến điểm tận cùng kia của hoàn vũ”
  • Tv 104 (105): “Người đổi mới mặt đất này”
  • Cv 17, 22-31: “Chúng ta thuộc dòng dõi của Thiên Chúa”
  • Tv 136: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”
  • Lc 1, 39-56: “Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”

*  *  *

Ở Manresa, khi  dạy dỗ thánh I-nhã “theo cách thức của người Thầy dạy học trò”, những nền tảng của một nền linh đạo đã được thiết lập:

  1. Thiên Chúa, là Cha, Con và Thánh Thần, hiện hữu trong tương quan tình yêu.
  2. Đó là tình yêu Ba Ngôi , lan tỏa ra khỏi chính mình, và đã sáng tạo ra thế giới.
  3. Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, hiện diện thực sự trong bí tích Thánh Thể, là điểm hội tụ của sáng tạo và lịch sử, để dẫn đưa lịch sử về với Đấng Tạo Dựng.
  4. Trong hành trình trở về với Thiên Chúa Cha, ngang qua con đường lao nhọc, Đức Ki-tô của Tin Mừng sẽ là Người Bạn Đường của những ai đi theo Ngài.
  5. Sự hiện hiện sáng tạo của Thiên Chúa trong vũ trụ và trong lịch sử con người.

Như thế, mọi sự đã được bày tỏ, nhưng mọi sự vẫn chờ đợi để được để đưa vào cuộc sống. Linh Đạo không phải chỉ là một cách diễn tả Thiên Chúa, thế giới và chính mình; linh đạo là một dự án sống.

Sau Manresa, thánh I-nhã bắt đầu bước đi qua các miền đất và đưa bước chân của mình vào lịch sử con người. Từ đây trở đi, Người Hành Hương (thánh I-nhã thích tự gọi mình như thế) mời gọi chúng ta đi vào trong một kinh nghiệm thiêng liêng hướng đến hành động, yêu mến và phục vụ.

(Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc,SJ)

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

17 − fourteen =