00000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000

“Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1, 26). Thiên Chúa nói như thế, ở ngôi thứ nhất số nhiều, khi tạo dựng con người. Các Giáo Phụ đã nhận ra trong câu nói này mặc khải về công trình tạo dựng của Thiên ChúaBa Ngôi. Nếu đặc điểm của tình yêu là thông truyền, thì công trình sáng tạo là sự lan tỏa ra bên ngoài tình yêu nội tại liên kết các Ngôi Vị Thần Linh. Và bởi vì nền tảng của linh đạo I-nhã là Ba Ngôi Thiên Chúa, nên linh đạo I-nhã cũng dựa trên một quan niệm (hoặc một nền thần học theo nghĩa rộng) về thế giới sáng tạo: “Thiên Chúa, là Đấng Tạo Dựng và là Chúa của chúng ta”. Chính vì thế, trong những bài học mà thánh I-nhã nhận được từ Thiên Chúa ở Manresa, bài thứ hai có đề tài là công trình sáng tạo của Ba Ngôi Thiên Chúa: “Một lần xuất hiện trong trí hiểu của ông, với một niềm vui thiêng liêng mãnh liệt, cách thức mà Thiên Chúa đã tạo dựng thế giới: dường như ông đã nhìn thấy một vật thể trắng, từ nơi đó phát xuất nhiều tia sáng, và với vật thể này Thiên Chúa đã làm nên ánh sáng » (TT 29).

Thực vậy, khởi đầu công trình sáng tạo, Thiên Chúa nói: “Hãy có ánh sáng”. Tại sao lại bắt đầu bằng ánh sáng? Vì ánh sáng cho phép nhận biết và phân biệt các sự vật với tất cả những đặc điểm của chúng. Theo trình thuật Sáng Tạo Bảy Ngày (St 1), công trình sáng tạo là một công trình phân biệt các sự vật nhiều hơn là công trình tạo ra các sự vật: phân biệt ngày và đêm, đất và trời, đất và nước, thảo mộc và sinh vật, “mỗi sinh vật tùy theo loại”, nam và nữ… Thực vậy, tình yêu chỉ có thể thông truyền khi nhận biết người kia khác biệt với chính mình; vì tình yêu là sự hiệp thông giữa hai khác biệt, chứ không phải là lẫn lộn hay pha trộn.

Thánh I-nhã đặc biệt nhạy cảm với khoảng cách, vốn là điều cho phép yêu và được yêu. Chỉ có một mình Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng, và mọi sự khác đều là tạo vật. Vì thế, thái độ nền tảng của con người đối với Thiên Chúa là tôn kính: “Hãy cởi dép ra” (Xh 3, 5). Tuy nhiên, tôn kính không phải là một ngăn trở đối với tình yêu: nhận biết Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng nên tôi sẽ làm cho tôi khát khao Người. Trong cuốn Nhật Ký Thiêng Liêng của mình, thánh I-nhã ghi lại lời nguyện sau đây: “Lạy Chúa, xin cho con sự khiêm tốn yêu thương”. Yêu thương đưa tôi vào trong cung lòng của Đấng Tạo Đựng nên tôi, và sự khiêm tốn duy trì khoảng cách.

Và ngay sau đó, thánh I-nhã đã viết thêm: “Dường như tôi không dừng lại đó, nhưng cùng một điều đã xẩy ra đối với các tạo vật, đó là sự khiêm tốn yêu thương” (NKTL 178-179). Các tạo vật không phải là Thiên Chúa, vì thế, “Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ” (Đnl 5, 9). Tuy nhiên, mỗi tạo vật, bởi vì chúng hiện hữu bởi vẻ đẹp và sự tốt lành, đều nói theo cách của chúng, về Đấng Tạo Đựng nên chúng. Vì thế, bàn tay hướng về đóa hoa hồng, vì nó đẹp, và hướng về trái trên cây, vì nó ngon. Nhưng, phải làm mọi sự với thái độ tôn trọng. Vào thời của thánh I-nhã, vẫn chưa có những vấn để về môi trường. Ngày nay, sự quan tâm đến trái đất phải dựa trên “sự khiêm tốn yêu thương” hơn là trên nỗi lo sợ trái đất bị hủy diệt. Nhưng đừng quên rằng, “mọi loài khác dưới đất cũng được tạo dựng cho con người, để giúp họ đạt tới cùng đích Đấng Tạo Hóa đặt cho họ” (LT 23). Tất cả là để phục vụ con người.

Thái độ tôn trọng đối với con người càng phải triệt để hơn nữa. Không ai được khai thác hay sử dụng người khác, bởi vì họ là hình ảnh của Đấng Tạo Dựng, và bởi vì họ là “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 1, 26; 2, 23). Tuy nhiên, nguồn gốc chung của chúng ta không xóa đi những khác biệt. Trong bài chiêm niệm mầu nhiệm Nhập Thể, thánh I-nhã mời gọi chúng ta nhìn ngắm các Ngôi Vị Thần Linh, đang hướng đến với tình yêu và lòng thương cảm, “những người trên mặt đất, với bao sự khác biệt, trong y phục và cử chỉ, kẻ trắng người đen, người hòa bình kẻ chiến tranh, kẻ khóc người cười, kẻ khỏe mạnh người ốm yếu, người sinh ra kẻ chết đi…” (LT 106). Đó là một cái nhìn tôn trọng.

Ánh sáng bên ngoài làm bật lên những khác biệt của chúng ta. Còn ánh sáng đức tin đưa chúng ta về một hình ảnh. Mỗi người là hình ảnh của Thiên Chúa, bởi sự tự do mà Thiên Chúa ban tặng ngang qua việc đặt toàn thể tạo vật “dưới chân” của con người:

Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,
cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,
đặt muôn loài muôn sự dưới chân. 
(Tv 8, 6-7)

Nhưng Thiên Chúa là đấng hằng sống trong tương quan Cha, Con và Thánh Thần. Do đó, mọi người cùng nhau là hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi, nhờ những mối tương quan chúng ta duy trì với nhau và làm cho mỗi người chúng ta trở thành một ngôi vị. Khởi đi từ sự nhận thức những khác biệt, chúng ta đi đến sự nhận biết tròn đầy, ngược với mọi hình thức loại trừ, về người kia như là một ngôi vị khác với tôi, nhưng nếu không có người ấy, tôi không thể yêu mến, thậm chí không thể hiện hữu.

Một cái nhìn tôn trọng, một chuyển động nhận biết dẫn tôi đến với người khác với sự khiêm tốn yêu thương, đó chính là cung cách dẫn tôi đến hành động tạ ơn và ca tụng Đấng Tạo Hóa. Thánh I-nhã kết luận như thế, khi nói về đời sống cộng đoàn: “Như thế, ngang qua điều các thành viên ghi nhận trong các tương quan giữa họ với nhau, họ sẽ lớn lên trong đời sống đạo đức và ca tụng Thiên Chúa, Chúa chúng ta, Đấng mà họ sẽ ra sức nhận ra nơi người khác như là hình ảnh của Ngài” (HP 205).

Nên đọc:

  • St 1 và 2: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh của chúng ta”
  • Kn 11, 21 – 12, 2: “Chúa xót thương hết mọi người”
  • Tv 8: “Con người là chi?”

(Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc,SJ)

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

12 + nineteen =