Nhập nguyện

Xin cho con nhận ra, Đấng mà con đang cầu nguyện với là Đấng nào.

Suy chiêm

1. Ngài tỏ mình ra là ai đối với bạn?

JL 13: Thiên Chúa tỏ mình cho bạn:

           Ngài xuất hiện như Đấng Thánh,
như một người bạn, như một thượng khách

Thiên Chúa là Đấng-khác-hẳn-chúng-ta. Ngài là Đấng Thánh, Ngài uy quyền vô cùng. Trước mắt Ngài, bạn chỉ là tro bụi (St 18,27). Ngoài Ngài ra, tất cả chỉ là hư vô mà thôi (Is 40,25;45,5) khi Ngài tỏ mình ra cho bạn, Ngài là Đấng siêu việt, đấng vinh quang sáng chói (Xh 3,6; Is 6,1-5; Ed 1,28). Bạn chỉ có thể phủ phục thờ lạy Ngài. Thiên Chúa là Đấng-khác-hẳn-chúng-ta, vì Ngài trong trắng vô tội, đứng trước Ngài chúng ta thấy mình nhơ uế (Is 6,5). Các bậc thầy trong Cựu Ước đều được thấy vinh quang của Thiên Chúa vì được Chúa tỏ ra sự thánh thiện của Ngài. Yếu tố đầu tiên của cuộc đối thoại với Thiên Chúa là cảm nghiệm Ngài cao trọng và đồng thời thấy được mình khốn đốn.

Nhưng Thiên Chúa chân thật không bao giờ tỏ vẻ uy linh của Ngài mà lại không đồng thời tỏ ra Ngài là Tình Yêu, vì thế Ngài là bạn thân của con người. Thiên Chúa là Đấng đã yêu ta (Hs 11,1) và Đức Giê-su tâm sự “Anh em là bạn hữu của Thầy”. Lòng nhân hậu và yêu thương của Thiên Chúa đã hiện ra trên gương mặt Đức Ki-tô (Tt 3,4). Bằng chứng của tình bạn là Đức Giê-su đã chia sẻ cho ta những gì Ngài biết về Chúa Cha.

Ngày hôm nay cũng như vào thời các ngôn sứ, Thiên Chúa vẫn tiếp tục nói: “Ta ở với con”. Đức Ki-tô Phục sinh tiếp tục ở với người nhà của Ngài cho đến tận thế. Ngài biết tên bạn, yêu mến bạn và đã phó mình cho bạn. Đức Giê-su Ki-tô đã mặc khải cho chúng ta Thiên Chúa, Thánh, Chí Thánh, ngàn trùng chí thánh. Đó là yếu tố thứ hai trong diễn tiến cuộc đối thoại: giữa Đấng Thánh và bạn, đã có Đức Giê-su Ki-tô. Bạn có thể đến với Ngài vì Ngài đã đến giữa chúng ta. Em-ma-nu-en nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Hãy thỉnh cầu thánh Gio-an “người môn đệ được Chúa yêu mến”
(Ga 13,23) cho được nếm tình bạn với Đức Giê-su.

Đức Giê-su là nơi cư ngụ của Thiên Chúa giữa lòng trần thế. Thiên Chúa đã cắm lều ở giữa chúng ta. Nhờ Thánh Thần, Đức Giê-su cho chúng ta được ở lại trong Thiên Chúa. Nếu bạn đón nhận Máu Thịt Ngài làm của ăn, nếu bạn giữ lời Ngài, Thiên Chúa Ba Ngôi sẽ đến cư ngụ nơi bạn. Thiên Chúa là thượng khách của bạn, như Ngài là thượng khách của Áp-ra-ham, dưới gốc cây sồi ở Mambré: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở với người ấy” (Ga 14,23).

Sở dĩ có cuộc đối thoại trong cầu nguyện là vì Thiên Chúa hiện diện nơi ta. Nếu bạn được ở trong Thiên Chúa, chính vì Thiên Chúa đã muốn đến ở với bạn. Ba Ngôi Thiên Chúa ở cùng bạn. Hình ảnh tình thân giữa Thiên Chúa và bạn trong cầu nguyện được gợi lên một cách tuyệt vời trong sách Khải Huyền: “Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20).

2. Ngài xin bạn mở rộng lòng đón con Ngài

JL 14: Không phải bạn van xin Chúa đến với bạn,
nhưng chính Thiên Chúa vẫn nài bạn hãy mở
rộng lòng đón nhận Đức Giê-Su, con của Ngài

Bạn nghĩ cần phải ra sức chinh phục Thiên Chúa, hay phải nhắc khéo Chúa đến thăm bạn. Đó không phải là tinh thần và thái độ cầu nguyện của người Ki-tô hữu; bạn không cần tặng quà hay năn nỉ, để làm xiêu lòng Thiên Chúa.

Ngài đến với bạn từ lâu rồi, và chính Ngài quyến rũ bạn. Ngài yêu thương bạn trước, đến nỗi ban Con Một của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô để cứu chuộc chúng ta. Vậy bạn không cần tìm kiếm Ngài, vì Ngài đã lấp đầy hố sâu ngăn cách giữa Ngài và bạn. Bạn không cần chinh phục Thiên Chúa, Ngài đã đến ở giữa dân Ngài từ lâu rồi, nhưng thảm kịch là: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón tiếp” (Ga 1,11). Cầu nguyện chỉ là để cho Chúa tìm ra mình mà thôi.

Chúa chỉ muốn nhắc chúng ta là Ngài có đó và Con Ngài đã đến giữa trần thế. Thế gian này không phải là một chốn hoang vu, vắng bóng Ngài, nhưng Đức Ki-tô ẩn mình giữa trần thế. Khi nghĩ đến Mùa Chay, bạn thường nghĩ tới chay tịnh, hãm mình, nhưng kỳ thật đó là thời hồng ân và cứu độ. Trong suốt thời gian này, Thiên Chúa nhắc chúng ta rằng Con của Ngài đã chết và đã sống lại, đang ở giữa chúng ta. Chúng ta không cần có những thành tích phi thường để đến với Ngài. Ngài có đó rồi, trong tầm tay chúng ta, đang mời chúng ta đến lãnh nhận Lời Ngài và Thánh Thể Ngài.

Bạn cần chiêm ngắm thật lâu tình yêu Thiên Chúa. Thánh Tê-rê-xa thành Lisieux viết: “Tình yêu khoan dung của Chúa ao ước đốt cháy các linh hồn biết bao, lòng thương xót của Ngài lên thấu tận trời cao … Lạy Đức Giê-su, xin cho con được nên của lễ hiến tế, được tình yêu Chúa thiêu đốt” (Bút ký).

Bạn không cần cố gắng để khám phá tình yêu đó: nhưng hãy âm thầm và tha thiết cầu nguyện, Chúa sẽ xé bức màn và cho bạn thấy kho tàng tình yêu chất chứa trong trái tim Con của Ngài. Đây là một hồng ân huyền nhiệm, không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ được, nhưng nếu một ngày nào đó, Thiên Chúa ban cho bạn hồng ân ấy, bạn sẽ hiểu tại sao thánh Đa-minh và thánh Phan-xi-cô đã nhiều đêm khóc lóc ròng rã vì thấy “Tình yêu không được người ta yêu mến”.

Khi được ơn khám phá điều này, bạn sẽ thấy lòng bạn cứng cỏi và vô ơn biết bao. Lỗi lầm lớn của bạn là vô tình hoặc cố ý không để Chúa yêu thương bạn. Đức Ki-tô không ngừng gõ cửa lòng bạn, chờ bạn mở cửa, và mời Ngài vào dự bữa tiệc thân mật. Xin Thánh Linh đập vỡ trái tim cứng cỏi của bạn để thay vào đó một trái tim biết đón nhận tình yêu.

Trong cầu nguyện, bạn không xin Thiên Chúa đổi ý kiến để đến với bạn và yêu mến bạn, nhưng trái lại, hãy bứng trái tim sắt đá của bạn đi để đón nhận tình yêu Thiên Chúa.

Mùa Chay là thời gian thuận tiện cho Chúa bước vào đời bạn. Hãy trầm mình trong thinh lặng để nghe được tiếng Chúa. Đức Giê-su đã đến kêu gọi chúng ta chia sẻ tình
thân với Thiên Chúa Ba Ngôi. Đừng làm như những người Pha-ri-sêu không đón nhận Thiên Chúa đến thăm họ qua Đức Giê-su Ki-tô.

Hoán cải là mở lòng đón nhận tình yêu vô biên của Thiên Chúa, và đón nhận Bánh Hằng Sống. Bạn sẽ thấy phải làm gì cụ thể để tỏ lòng sám hối và tiếp rước Đức Giê-su nồng hậu hơn. Nhưng điểm chính yếu là biết thức tỉnh, biết lắng nghe để đừng lỡ buổi hẹn với Ngài.

3. Ngài là Đấng tác thành

JL 15: Đặc tính của Thiên Chúa nhân từ là tác thành,
đặc điểm của con người là được tạo thành
             (Thánh I-rê-nê)

Tôi có thể diễn dịch một cách khác lời của thánh I-rê-nê: “Hãy để Chúa yêu mến bạn, hãy để Chúa làm việc nơi bạn”. Tất cả những khó khăn thường gặp trong đời sống nhân bản cũng như đời sống thiêng liêng bắt nguồn từ chỗ bạn muốn tự mình xây cất lấy. Bạn nghĩ rằng nên thánh là một công trình phải tự mình hoàn thành, và cầu nguyện, đời sống huynh đệ, đời sống nội tâm cũng là một công trình bạn nhận thi công một mình. Không phải bạn cầu nguyện đâu mà là Thánh Thần cầu nguyện nơi bạn, một cộng đoàn huynh đệ không phải do tay người phàm đâu mà là tác phẩm của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi.

Cầu nguyện cũng như mọi sự khác đều là hồng ân từ trên ban xuống. Phải ngửa tay đón nhận, cầy xới mảnh đất thành một thửa vườn mầu mỡ rồi cây sẽ mọc lên tươi tốt. Trong hạt giống đón nhận ngày chịu phép Thánh Tẩy, tất cả sức sống đã nằm gọn trong đó rồi. Hãy đọc lại dụ ngôn hạt cải hoặc nắm men trong bột: hạt giống tự mọc lên: “Đêm hay ngày, người gieo giống có ngủ hay thức thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên bằng cách nào thì người ấy không biết” (Mc 4,26-28). Người nhà nông biết rằng đã gieo giống rồi thì phải chờ cho cây mọc. Người mẹ cũng biết rằng, khi bà đã sinh con, đứa trẻ phải lớn lên cho tới lúc trưởng thành.

Đừng hấp tấp: cuộc sống triển nở không phải do bạn kiêu hãnh đẩy kéo mà là do một hồng ân. Mọi khó khăn của bạn xuất hiện khi những dự định hẹp hòi của bạn giành chỗ với dự định bao la của Thiên Chúa. Bạn tự ra một chương trình thiện hảo theo ý bạn, nhưng Chúa đã có một kế hoạch yêu thương bao quát hơn nhiều. Hãy dẹp tính kiêu kỳ muốn tự xây đời mình, và hãy để Chúa làm, cho dù bạn chưa hiểu Chúa dẫn bạn đi tới đâu. Khi xem một vở kịch, mới xem màn đầu thì bạn chưa có thể phán đoán được … Hãy chờ đến cuối đời, bạn sẽ ngỡ ngàng thán phục kế hoạch yêu thương Chúa dành cho đời bạn. Trước hết hãy xác tín là Chúa yêu bạn, Ngài thông chia cho bạn đời sống của Ngài, và Ngài vẫn tiếp tục. Hãy để thời gian làm việc: đừng đòi hỏi cho được điều sẽ đến ngày mai, nhờ ơn Chúa. Thiên Chúa kiến thiết từ từ con người nội tâm của bạn, Ngài hủy diệt những núi tội lỗi nơi bạn. Đừng ra ý kiến cho Chúa, đừng ép Ngài làm theo ý bạn: Ngài có nhiều sáng kiến hay hơn bạn.

Ngài chỉ chờ mong một điều: Hãy để Ngài làm việc. Nhưng hãy coi chừng, để Chúa làm không phải là sống sao cũng được, thời gian chỉ mang kết quả tốt khi bạn quyết tâm yêu Chúa hết lòng với một ý chí ngay thẳng. Nếu bạn không chủ động phó thác cho Chúa, con người thiêng liêng của bạn sẽ rã tan bởi vì bạn thay đổi như chong chóng. Thiên Chúa không dùng đũa thần để miễn cho bạn trung thành cố gắng.

Nhưng khi bạn đã phó mình cho Chúa vô điều kiện, khi bạn để Chúa tự do hành động như Ngài muốn, khi bạn không còn tha thiết gì ngoài ý của Ngài, bạn sẽ được vui sướng và bình an. Mọi biến cố xảy ra bên ngoài đều là một quà tặng Ngài trao cho bạn, và con người nội tâm của bạn được uốn nắn theo ý Ngài. Cha Teilhard de Chardin viết cho bà Henry Cosme 09/05/1994: “Khi bà đã làm hết sức mình rồi, mọi sự xảy ra đều đáng mến cả. Đó là tột đỉnh của khôn ngoan và thánh thiện”. Khi bạn đã phó mình cho Chúa rồi, mọi sự may rủi đều biến đổi bạn từ bên trong, và xích bạn lại gần Chúa hơn.

Cả tội lỗi và những yếu đuối của bạn nữa cũng thúc bạn tiến tới, miễn là bạn biết nhận ra chúng và hối lỗi xin Chúa tha thứ. Công việc hằng ngày, nhàm chán và tẻ nhạt cũng nuôi dưỡng đời sống nội tâm của bạn. Dần dần, Thiên Chúa, tác giả duy nhất của sự hoàn thiện nội tâm, sẽ thực hiện điều Ngài mong ước cho bạn, miễn là bạn để Ngài in khắc hình ảnh của Ngài trên bạn. Muốn khám phá việc Chúa đang thực hiện, cần có một cái nhìn đức tin, cầu nguyện tha thiết và lâu giờ.

Kết nguyện

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

two × one =