oooooooooooooooooooooooo

Ở hai bước trên, chúng ta đã làm cuộc lựa chọn ban đầu và thực hiện sự đoạn tuyệt mà lựa chọn này đòi hỏi. Bây giờ thì phải lên đường. Giai đoạn này tương ứng với hành trình của thánh I-nhã rời bỏ “quê hương” Loyola thân yêu của mình, với ý định đi hành hương Giê-ru-sa-lem và với quyết tâm “làm những việc khổ chế như các thánh đã làm” (TT 8). Ở giai đoạn này, thánh nhân luôn có niềm vui trong tâm hồn. Nhưng chỉ ít tháng sau, mọi sự đều sụp đổ. Cuộc khủng khoảng khởi đi từ sự xuất hiện luân phiên các cảm xúc mà ngài không kiểm soát được: đôi khi ngài thấy khô khan nguội lạnh, vô vị; những lúc khác, ngài lại “đột ngột có cảm tưởng tất cả buồn chán và sầu khổ được cất đi như người ta tháo bỏ cái áo choàng ra khỏi vai (TT 21). Thánh I-nhã vẫn chưa biết và chưa thể đặt tên cho sức mạnh lạ lùng này. Ngài cảm thấy sợ hãi và chất vấn về “cuộc sống mới” mà ngài chưa từng biết đến trước đó. Tiếp theo sự sợ hãi là cuộc khủng khoảng lớn lao do những bối rối làm thánh nhân khổ sở đến độ ngài muốn tự vẫn (TT 24). Rồi cho đến một ngày kia, “Chúa làm cho kẻ ấy thức tỉnh như thể từ một cơn mê” (TT 25). Thánh I-nhã đã kể lại này kinh nghiệm này, không phải là vì kinh nghiệm này là một chuyện lạ lùng, nhưng là vì ích lợi thiêng liêng của chúng ta.

 Thực vậy, có cái gì đó thật thông thường và liên quan đến tất cả chúng ta: mỗi người khác với hình ảnh mà mình tạo ra hay muốn tạo ra về bản thân. Trong mức độ, con người nỗ lực sống theo hình ảnh này, thì con người không còn là chính mình nữa trong sự thật. Tự do của con người bị giam hãm.

Thánh I-nhã lao mình vào trong dự định bắt chước các thánh mà ngài coi là những khuôn mẫu. Đó là hình ảnh mà ngài để ở ngay trước mặt và ngài muốn sống theo hình ảnh này bằng những việc khổ chế lớn lao. Quả là, hình ảnh này được phát sinh bởi lòng ước ao; tuy nhiên, hình ảnh này lại phát xuất từ ngài, trong khi lòng ước ao của ngài phát xuất từ Thiên Chúa. Khi nỗ lực sống theo những khuôn mẫu, ngài không còn là chính mình nữa trong sự thật. Khủng khoảng mà ngài trải qua, và qua đó Chúa huấn luyện I-nhã, sẽ dẫn tới sự sụp đổ của hình ảnh. Đó là điều cần thiết để cho một con người mới được sinh ra.

Tuần I của tháng Linh Thao tương ứng với kinh nghiệm này của thánh I-nhã. Khi thoáng nhìn, chúng ta thấy tuần I nói về tội lỗi, nhưng điều tuần I nhắm tới là nhận ra rằng, Thiên Chúa là Đấng Tạo Dựng và là Đấng Cứu Độ duy nhất của tôi, và rằng, mỗi ngày, từ nơi Ngài, tôi đón nhận sự sống của tôi.

Tội là gì nơi nguồn gốc của nó? Dường như không có sự khác biệt giữa lời dụ dỗ của con rắn: “ông bà sẽ trở nên như các thần linh” (St 3, 5) và lời nguyện của Đức Giê-su: “Để họ được nên một như chúng ta là một: con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một” (Ga 17, 22-23). Nhưng, khi mà Kẻ Dối Trá xúi dục chúng ta tìm cách trở nên Thiên Chúa bằng cách chống lại Thiên Chúa, bởi sự bất tuân phục, thì Đức Giê-su mời gọi chúng ta trở nên giống như Thiên Chúa cùng với Thiên Chúa, điều mà các Giáo Phụ không ngần ngại gọi là hành trình “thần hóa” của chúng ta.

Tội luôn luôn là một hành vi tự coi mình là đủ và đến từ ý muốn, được nhận ra hay không, xây dựng bản thân một mình, mà không cần đến Thiên Chúa và thậm chí chống lại Thiên Chúa. Để để phá vỡ những giới hạn của tôi trong thân phận thụ tạo, tôi phóng chiếu ra trước mặt một hình ảnh về chính tôi: tôi giàu có, tôi mạnh mẽ, tôi hấp dẫn, tôi hơn người khác và tôi thực hiện những hành động phù hợp với hình ảnh này. Tương tự như thế, đối với những điều được coi là “ý hướng tốt lành”: chẳng hạn, tôi muốn trở thành vị thánh, hay tôi muốn được nhìn nhận là người tốt lành: ý hướng này sẽ trở nên lệch lạc vào lúc mà tôi thực hiện điều này bởi sức mạnh của “con dao găm”. Ý hướng này cũng trở nên lệch lạc, khi đến từ sự sợ hãi, sợ hãi Thiên Chúa, sợ hãi người khác, sợ hãi chính mình; tôi sợ hãi đến độ dựng nên những rào cản để bảo vệ sự trọn hảo thiêng liêng và luân lí của tôi. Gốc rễ của những điều này là sự từ chối đón nhận sự sống của mình từ một Đấng Khác, là Đấng Tạo Dựng và là Đấng Cứu Độ.

Để cho Thiên Chúa được nhận biết, tôi phải bỏ đi hình ảnh về chính mình. Bất tuân, vốn là bản chất của tội, chính yếu không phải là một tội thuộc về cung cách ứng xử của trẻ con, nhưng đó là hành động tai hại của con người có ý thức về năng lực tự do của mình, và từ chối nhận biết Đấng đã tạo dựng nên mình. Đó là tội của thế giới, của lịch sử và của con người. Tội này chỉ có thể được gọi đúng tên của nó khi đối diện với Đức Ki-tô vâng phục cho đến chết và chết trên Thập Giá (Phil 2, 8).

Trước mắt Đức Ki-tô chịu đóng đinh, tội nhân được mời gọi nhận ra rằng, đến mức độ nào tội dẫn đến sự chết. Vì, khi muốn xây dựng mình bởi chính mình, con người tự cắt lìa đời mình khỏi nguồn sự sống: khỏi Thiên Chúa, Đấng đã trao ban sự sống cho con người. Khi đó, “tôi, một mình, tôi có thể là gì?” (LT 48). Chẳng là gì hết. Và sự nhìn nhận sáng suốt này có thể dẫn đến tuyệt vọng, nếu ngay từ đầu, Đức Ki-tô chịu đóng đinh không hiện diện, để cứu tôi khỏi sự tuyệt vọng. Như thế, tôi không có một mình, vì tôi có thể thưa chuyện với “Ai Đó”.

Trước hết, bằng những lời nhút nhát và dò dẫm, đến từ những câu hỏi và sự kinh ngạc: “làm sao, từ thân phận là Đấng Tạo Hóa mà Người đã đến để trở thành con người, để đi từ sự sống vĩnh cửu đến sự chết của thân phận con người, và như thế, là để chết cho tội lỗi của tôi” (LT 53); và “mọi tạo vật, làm sao mà chúng đã để tôi sống và gìn giữ tôi cho sống, các thiên thần là lưỡi gươm của phép công thẳng Chúa làm sao mà các Đấng ấy đã chịu đựng được tôi, che chở và cầu xin cho tôi, rồi các vị thánh, làm sao mà các ngài đã bầu cử và cầu xin cho tôi; lại các tầng trời, hai vầng nhật nguyệt, các vì tinh tú cùng các nguyên tố và mọi loài trong vũ trụ, hoa trái, chim chóc, tôm cá và các giống thú vật, làm sao chúng còn để tôi sống đến lúc này; trái đất sao không nứt ra để chôn vùi tôi, tạo nên những địa ngục mới để tôi chịu khổ đời đời trong đó” (LT 60)

Đó chính là lời giải thoát, được thốt lên trong một bài ca tạ ơn: “thân thưa với Chúa và tạ ơn Chúa vì Ngài đã cho tôi sống đến bây giờ” (LT 61); “Cũng tạ ơn Chúa vì cho đến nay, Chúa luôn tỏ ra hiền từ và nhân lành với tôi dường ấy.” (LT 71)

Đó cũng là lời tạo dựng, vì mở ra một tương lai, mà ở nơi đó, tôi dấn thân làm việc với Chúa: “tôi phải làm gì cho Chúa Kitô” (LT 53); “dốc lòng nhờ ơn Chúa chừa cải từ này về sau” (LT 61); “sửa mình cùng tự chỉnh đốn lại” (LT 63). Như thế, khi ra khỏi thử thách, con người được đặt trên con đường của những tương quan đúng: tương quan với Thiên Chúa, với thế giới và với chính mình.

(a) Với Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tác Giả sự sống của con người: mỗi một giây phút, từ Người, con người đón nhận sự sống, từ Người, con người đón nhận chính mình. Con người được định vị trong một tương quan phụ thuộc, chứ không phải tương quan nô lệ. Bởi lẽ, khoảng cách giữa “Đấng Tối Cao” và con người mở ra không gian cho lời nói. Những đòi hỏi của Thiên Chúa sẽ không còn đáng sợ nữa, như là áp đặt từ bên ngoài; những đòi hỏi này xuất hiện như hoa trái của lời nói được trao đổi, nơi đó hai ước ao cùng đến gặp gỡ nhau.

(b) Với thế giới. Từ nay, thế giới sẽ được hiểu như là công trình sáng tạo, nơi đó con người chiêm ngắm những dấu vết của Thiên Chúa và khám phá ra sự đỡ nâng mà Thiên Chúa đã trao ban cho con người, để cho con người không đơn độc. Cái nhìn như thế sẽ làm cho con người trở nên sáng suốt để nhận định sự dữ, vốn là công trình của hư vô, và là chính hư vô. Thế giới sáng tạo trở nên đối với con người địa bàn duy nhất cho việc con người tìm kiếm Thiên Chúa và gặp gỡ Người, Đấng dẫn dắt con người trong hành trình hành hương của mình.

(c) Với chính mình. Cuối cùng, con người có thể đi vào và lớn lên trong tương quan đúng với chính mình. Là tội nhân nhưng được cứu độ, con người đảm nhận quá khứ của mình, dù nặng nề như thế nào, để dấn thân vào tương lai. Con người biết rằng, tự bản chất mình phải tạo ra các hình ảnh, phải xây dựng các dự án, nhưng con người sẽ học để tạo ra khoảng cách giữa lòng ước ao Thiên Chúa và những dự án con người, sao cho, nếu những dự án này sụp đỗ, con người trở lại với lòng ước ao của mình và sao cho, nếu những dự án này thành công, con người không biến chúng thành ngẫu tượng. Khi được sinh ra bởi Thánh Thần, con người sẽ được giải thoát sức quyến rũ của những hình ảnh.

Và từ đây, con người sẽ có một Hình Ảnh khác để chiêm ngắm và phải để cho mình được dạy dỗ.

 *  *  *

Nên đọc:

  • St 2 và 3 (nhất là St 3, 1-7): sáng tạo, lề luật và sự dối trá
  • Ds 21, 4-9: Con rắn đồng
  • Ga 3 (nhất là Ga 3, 13-17): Đức Giê-su và ông Ni-cô-đê-mô

(Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ) 

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

One Response to Linh Đạo I.Nhã (3): Đón Nhận Chính Mình Từ Thiên Chúa

  1. Bach Ma says:

    Xin cho con biet Chua va xin cho con biet con

Leave a Reply

Your email address will not be published.

four × two =