Chiêm niệm để được Tình Yêu

Linh mục Giuse Nguyễn Công Đoan, SJ.

Qua những bài trước, tôi đã chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa, tỏ bày suốt kế hoạch tạo dựng và cứu chuộc, một tình yêu vượt trên tất cả, tình yêu chiến thắng cả sự chết. Tình yêu ấy làm cho tôi rung động, làm cho tôi trở về với Người để được sống với Người, với tình yêu tuyệt vời. Và từng bước trở vể của tôi được nâng đỡ bằng tình yêu của Người. Bây giờ, trong bài cuối này, một lần nữa, tôi duyệt lại lịch sử tình yêu toàn năng của Thiên Chúa, dưới ánh sáng những gì tôi đã nhìn thấy trong những bài trước.

Tình yêu làm nảy sinh tình yêu. Chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới dạy tôi biết yêu. Vì khi tôi cảm nhận tình yêu của Chúa thì tôi sẵn sàng đáp lại. Khi còn nhỏ, tôi học biết yêu thương chính nhờ tình thương cha mẹ và mọi người trong gia đình dành cho tôi. Trường hợp một em mồ côi, vì nó chẳng được ai yêu thương, nên không dễ dàng cảm biết tình yêu. Một em bị bao bọc bởi một tình thương ích kỷ, thì nó cũng sẽ khó mà đạt tới tình thương vị tha: vì là nạn nhân của một tình yêu chiếm đoạt, không hướng đến người khác nên đứa bé lớn lên sẽ không biết yêu thương người khác vì người khác. Còn với Chúa Giêsu, Người nói gì với tôi? Người phán bảo tôi: “Các con hãy yêu mến nhau, như chính Thầy đã yêu mến các con” (Ga 15,12). Chúa đòi hỏi tôi học yêu mến nơi Người. Tôi đã nhận thấy Người yêu thương tôi như thế nào? Tình yêu của Người không phải là tình yêu chiếm đoạt, xiềng xích tôi, mà làm cho tôi hiện hữu, làm cho tôi lớn lên, làm cho tôi trưởng thành, làm cho tôi tự do. Bằng kinh nghiệm sâu xa, thánh Gioan đã nói: “Thiên Chúa là tình yêu, ai không yêu thì không biết Thiên Chúa” (1 Ga 4,8). Điều này cho thấy rằng tình yêu Thiên Chúa không phải là đối tượng để bàn cãi hay thảo luận, tình yêu của Người được diễn tả bằng hành động. “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người cho thế gian” (Ga 3,16). “Tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu tôi và đã hiến mình vì tôi” (Gl 2,20). Chúa Giêsu đã yêu thương tôi đến nỗi hiến mạng sống mình vì tôi, đến lượt tôi, tôi cũng phải hiến mạng sống mình vì anh em. Và tình yêu của Thiên Chúa là như vậy “không phải là chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa trước. Nhưng chính Người đã yêu mến chúng ta trước và sai Con Người đến cứu chuộc làm lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,10). Nếu tôi khám phá tình yêu Chúa bao bọc, cứu chuộc tôi, tôi sẽ thấy như đi lạc vào rừng tình yêu của Người. Tôi đi khám phá tình yêu ấy, và để cho Người chinh phục tôi. Tôi sẽ thấy được tình yêu từng giây từng phút trong cuộc sống mình. Người đời nói “thứ nhất đẹp trai, thứ hai ngồi lì”. Chúa có cả hai! “Chúa là vẻ đẹp luôn luôn mới” (thánh Âu-tinh) và Chúa luôn hiện diện với tôi trong tình yêu vô biên của Người. Tôi trở lại với trò chơi “ú oà” của bài đầu tiên. Khuôn mặt Chúa núp đàng sau tất cả mọi chi tiết trong cuộc đời để “oà” yêu thương tôi. Tôi nhập cuộc với Chúa trong tất cả mọi chi tiết đời sống mình để được sống tình yêu tuyệt diệu này.

Thái độ nói trên là thái độ cầu nguyện trung thực nhất. Cầu nguyện không phải là một thứ ngăn kéo, lúc cần kéo ra, không cần đóng vào. Cầu nguyện là sự hiện diện liên lỷ với Chúa. Cầu nguyện là giây phút của máu trở về tim trong nhịp tuần hoàn nuôi sự sống của con người. Trong cầu nguyện này, tôi đem cả cuộc sống vào gặp gỡ Chúa, để Người thanh luyện và để cho sự sống của Người chuyển vào tất cả mọi chi tiết đời sống tôi. Tôi nhìn lại toàn bộ cuộc sống mình, tất cả những gì làm tôi là người ngày hôm nay đều do tình yêu Người tác thành: Tôi được sinh ra, được lớn lên trong một gia đình, rồi được một nơi để đi học… chung quanh tôi, trái đất sinh hoa trái để nuôi sống tôi… tất cả đều là tình yêu Chúa làm cho tôi đó.

Chúa hiện diện trong cuộc sống tôi. Chúa hiện diện trong thời gian tôi hiện hữu. Chúa hiện diện trong vũ trụ tôi lớn lên. Như vậy, tôi có thấy rằng cuộc đời tôi, thời gian và không gian này là quà tặng của tình yêu Thiên Chúa cho tôi không? Quả là một nhắc nhớ cho sự xa vắng của một người mình thương yêu, là dấu chỉ của hiện diện tình yêu của Thiên Chúa. Tôi có thấy sự hiện diện tình yêu của Người năng động dường nào không? Vì Người nâng đỡ mọi loài thọ sinh để nó được tồn tại, được sống, sống vì tôi và cho tôi. Giây phút nào Chúa ngưng hoạt động, thì không gian này, thời gian này đều ngưng lại, và tất cả sẽ trở thành hư vô. Nhưng “Chúa không ngừng hoạt động.” Lời toàn năng của Người tiếp tục làm cho vũ trụ tồn tại, tất cả vẻ đẹp đều phản ánh vinh quang của Thiên Chúa. Tất cả trở thành như tia sáng, làm tôi lần về nguồn sáng. Tất cả như dòng nước trong hướng tôi về nguồn phát sinh ra dòng nước. Tôi đi khám phá ngược dòng, từ dòng nước cuộc đời tôi, từ thời gian và không gian tôi đang sống và lớn lên, và tôi đón nhận tình yêu của Người.

Tôi lấy hai đoạn: 1Ga 4.7-21 và Rm 8,31-39 để chiêm ngắm tình yêu Thiên Chúa dành cho tôi .

Thánh Gioan diễn tả Thiên Chúa là tình yêu và hệ luận của điều này là gì. Tôi đọc từ từ, không lý luận. Cứ để lời của thánh Gioan dẫn tôi đi sâu vào trái tim của Chúa, và hãy cũng với thánh Gioan chiêm ngắm tình yêu của Người .

Đoạn thư của thánh Phaolô truyền thông cho tôi lòng xác tín vào tình yêu Thiên Chúa, cho tôi một cái nhìn vào thực tại cuộc sống với tất cả thuận lợi và bất thuận lợi của nó. Thánh Phaolô quả quyết “Không có gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu Thiên Chúa đã biểu lộ trong Chúa Giêsu Kitô.” Tình yêu Thiên Chúa đã chiến thắng tất cả, để yêu thương tôi. Chúa Kitô đến làm người với tôi để cảm nghiệm mọi yếu đuối của con người, để kéo tôi vào sự sống. Bởi sự sống phục sinh của Người, tôi được sống vĩnh viễn với Người. Không có gì tách tôi ra khỏi tình yêu của Người. Tình yêu Thiên Chúa đã giải phóng tôi, giúp tôi sống tự do mối tương quan mới với Chúa và với mọi người.

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

2 Responses to Bài 12: Làm sao dám mơ rằng có…

  1. Làm sao dám mơ rằng có…

  2. Làm sao dám mơ rằng có…

Leave a Reply to Viên Sỏi Trắng Cancel reply

Your email address will not be published.

11 − four =