Linh mục Giuse Nguyễn Công Đoan, SJ.

Chúa Giêsu chết là chôn vùi tất cả nhưng sống lại là Chúa Giêsu đã biến đổi tất cả. Chúa Giêsu Phục Sinh làm tất cả thọ tạo được hướng về Thiên Chúa, đổi mới quan hệ Thiên Chúa và vũ trụ, cuộc đời và tôi. Nhờ Chúa Giêsu Phục Sinh tôi được hướng về Thiên Chúa, và thọ tạo trở nên con đường đưa tôi về với Thiên Chúa. Cuộc đời tôi có một ý nghĩa, có một điểm tới, đó là Chúa Kitô. Sự sống lại của Chúa Kitô đem tất cả vào con đường đến Thiên Chúa, đối lại với tội lỗi, nó đã làm tất cả trật đường rầy. Nhờ sự sống lại, Chúa Giêsu đã dứt khoát chuyển lại hướng đi của lịch sử và chính Người điều khiển dòng lịch sử. Người là men Chúa Cha đã nhào trong bột lịch sử và thọ tạo này. Lịch sử không thể thoát ra khỏi sức tác động của Người. Tất cả được tái tạo trong Chúa Kitô Phục Sinh. Tất cả được tự do đến với Thiên Chúa vì Chúa Giêsu Phục Sinh đã xoá bỏ tội trần gian. Chúa Kitô đã sống lại, Người không chết nữa. Người đã thắng sự chết, và tỏ bày sự sống mới của Người trong Giáo Hội. Chúa Giêsu sống lại vì tình yêu của Chúa Cha mạnh hơn sự chết. Tình yêu ấy lôi Chúa Giêsu ra khỏi sự chết, không những Chúa Giêsu mà thôi, mà còn tất cả chúng ta nữa. Khi cho Con của Người từ cõi chết sống lại. Chúa Cha thắng được tội lỗi tôi, đưa tôi về cõi sống với Chúa Giêsu. Trong những bức hoạ thời trung cổ, các họa sĩ vẽ Chúa Giêsu Phục Sinh một tay cầm cờ chiến thắng một tay dắt ông Adam (hoặc một tay dắt ông Adam, một tay dắt bà Eva) hiên ngang bước ra khỏi mồ. Những bức hoạ đơn sơ này diễn tả đức tin của người tín hữu về ý nghĩa biến cố phục sinh của Chúa Kitô.

Chúa Kitô sống lại trở thành Đấng ban sự sống mới, Đấng thông ban Thánh Thần để thực hiện thân thể mầu nhiệm đưa tất cả đến với Người. Tuyên xưng Chúa Kitô Phục Sinh là tuyên xưng Chúa Kitô đã thành công, đang ngự bên hữu Chúa Cha, và bảo đảm cho tôi sự thành công trên đường tới đích. Chúa Giêsu Phục Sinh làm tôi tin tưởng và vui mừng. Người trở thành con người mới, Adam mới, vì Chúa Kitô đã thực hiện trọn vẹn thánh ý của Chúa Cha, đã chấp nhận thân phận con người đến cùng, đã đi đến cái giới hạn cuối cùng của con người là cái chết. Người đã xuống ngục tổ tông nghĩa là đã đi vào đáy âm ty, đáy của sự chết. Người cảm nghiệm đến cùng thân phận phải chết của con người, và cảm nếm hậu quả cuối cùng của tội lỗi. Người vốn không có tội mà Thiên Chúa đã làm Người nên tội vì tôi, như thánh Phaolô nói (2 Cr 5,21). Và Chúa Giêsu cũng đã chấp nhận đến cùng hậu quả của tội lỗi vì yêu mến và vâng phục Chúa Cha, nên Thiên Chúa đã tôn vinh Người, ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu (Pl 2,6-11). Kể từ nay con đường Chúa Kitô đã đi qua trở nên con đường bảo đảm đến vinh quang, viên mãn, và ai đi trên con đường ấy với Chúa Kitô đều nhận được sự bảo đảm đó. Chúa Kitô trở thành kiểu mẩu của nhân loại mới, Người đã thực hiện trọn vẹn thân phận nhân loại mới đó. Sự sống lại của Chúa Giêsu bảo đảm sự sống lại của tôi, và ngay từ bây giờ tôi được tham dự vào thân phận phục sinh rồi ( x. Rm 6; 1 Cr 15).

Như vậy, Chúa Kitô Phục Sinh vạch cho tôi con đường đi từ đầu đến cuối. Thập giá và sự phục sinh là hai giai đoạn trên con đường của tôi, hai giai đoạn này lồng vào nhau. Ngay bây giờ tôi tham dự vào mầu nhiệm thập giá và mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã làm một chu trình kín: từ nơi Cha mà đến, Người đã đi hết hành trình dương thế và đã trở về trong lòng Cha. Cùng với sự trở về này, Người kéo tất cả về lòng Cha. Và hôm nay, Người là lãnh tụ của tôi, là cái mỏ neo (như trong thư Hip-ri 6,19 có nói tới), mỏ neo được thả vào bến trong lòng Chúa Cha.

Tôi chiêm ngắm Chúa Kitô Phục Sinh để cảm nghiệm niềm vui của Chúa Kitô Phục Sinh. Chúa có phục sinh thì thập giá mới có ý nghĩa. Nếu không, nó vẫn là một màu đen, một cái gì phi lý. Xin cho tôi niềm vui của Chúa Phục Sinh, một niềm vui không chi xoá được vì nó dựa trên sự khải hoàn của Chúa Kitô trên sự chết . Niềm vui vững chắc vào Chúa Kitô Phục Sinh giúp tôi dám chấp nhận dấn thân vào lịch sử hôm nay, nằm trong dòng lịch sử mà Chúa Kitô đã đi vào, đã nhận lấy làm lịch sử của mình, của Thiên Chúa. Chiêm ngắm Chúa Kitô Phục Sinh sẽ cho tôi niềm vui và niềm tin khiên vững này.

Sự phục sinh của Chúa Kitô là một mầu nhiệm mà tôi chỉ được biết nhờ lời chứng của các tông đồ, là những người được thấy, được nghe, được đụng chạm tới Đấng Phục Sinh. Vì Chúa Kitô Phục Sinh chỉ tỏ mình ra cho những người Chúa đã chọn trước, để họ làm chứng về Người. Tôi chiêm ngắm Chúa Kitô Phục Sinh qua những cảnh mà các Phúc Âm kể lại cho tôi. Chúa Kitô thể hiện tư cách làm chủ chăn tốt lành đối với đàn chiên. Người đã nói trước: “Họ sẽ giết kẻ chăn chiên và đàn chiên sẽ tan tác.” Và quả thật là vậy. Các tông đồ và các môn đệ mỗi người một nơi sau cái chết của Chúa Giêsu. Khi Chúa Giêsu phục sinh, Chúa như người mục tử tốt đi tìm từng con chiên để đem về đàn. Chúa đến với các tông đồ, các môn đệ, đem cho họ niềm vui và bình an của Người. Chúa cho họ thấy Người để họ tin, để niềm vui của họ không còn bị ai cướp được nữa.

Tôi có thể chọn Phúc Âm thánh Luca và Phúc Âm thánh Gioan để chiêm ngắm Chúa Kitô Phục Sinh và để được niềm vui phục sinh.

Chúa đến trước hết với Maria Magdala. Sáng sớm, Maria đến mồ, thấy mồ trống. Lòng yêu mến của bà đã làm bà hoảng hốt. Bà khóc lóc và hối hả chạy về báo tin cho các môn đệ: “Họ lấy mất Chúa rồi!” rồi bà trở ra mồ, ngồi cạnh đó mà khóc. Maria chỉ nghĩ rằng: Họ lấy mất Chúa! Trong hốt hoảng của lòng yêu mến, ý nghĩa ngộ nghĩnh này làm nổi bật các bất thường của ngôi mộ trống. Nếu là Chúa thì ai lấy mất được, còn nếu lấy mất đi được, thì hẳn Chúa không phải là Chúa. Sự ngộ nghĩnh này cũng cho tôi một cảm nhận vui vui của biến cố. Maria ngồi đấy khóc, ngó vào mồ, thì thấy hai thiên thần ngồi trên tấm đá đặt xác Chúa. Bà vội vã chất vấn hai vị: “Có thấy ai lấy mất Chúa tôi không?” Lúc đó Chúa đứng đàng sau bà, mà bà không hay, Chúa động nhẹ. Maria quay lại và cũng chất vấn luôn Chúa. Sự hoảng hốt lo lắng làm cho Maria không nhận ra Chúa ngay. Chúa dịu dàng gọi tên bà: “Maria,” bà thốt lên: “Rabbuni.” Tình yêu mến bừng lên thành niềm vui rạng rỡ trong lòng Maria, Chúa đã sống lại và đang đứng trước mặt bà… Trong cuộc sống của tôi, Chúa cũng đang đứng đó. Nhiều lúc tôi chạy đi tìm Chúa với cái lo âu khắc khoải mà không nhận ngay ra Người đang đứng đó. Tiếng Người đang gọi tên tôi… Tôi hãy đáp lại Người như Maria Magdala.

Chúa hiện ra cho hai người môn đệ trên đường về làng Emmaus. Hai môn đệ lòng buồn chán nản, bước chân lạc lõng trở về làng cũ. Chúa đến với họ, đồng hành với họ, chia sẻ nổi buồn phiền của họ, không những Chúa đồng hành với họ trên con đường dài về Emmaus đó, mà Chúa còn đồng hành với họ trong tư tưởng của họ nữa. Chúa đã gợi chuyện tâm sự của họ, và họ đã nói cho Chúa nghe. Đến lượt Chúa, Người dùng Lời Sách Thánh, lời các ngôn sứ để giải thích các biến cố vừa xảy ra liên hệ đến Thầy Giêsu của họ: Đấng Kitô phải chịu tất cả mọi đau khổ, phải chịu cả cái chết để rồi đi vào vinh quang của Người. Lòng hai môn đệ ánh lên tia hy vọng nhưng họ chưa nhận ra sự thật của người đang đi bên cạnh họ, đang giải toả nỗi buồn tuyệt vọng của họ, đang kéo họ trở về niềm tin và niềm vui. Đến khi vào bàn ăn, qua cử chỉ bẻ bánh,
Chúa bóc cái vẩy che mắt họ, mắt họ mở ra, và họ nhận ra Thầy, “Chúa đã sống lại rồi!” Niềm vui thiêu đốt lòng họ. Bước chân mau mắn quay (ngược lại con đường cũ) trở về cùng anh em tại Giêrusalem, để nói cho họ nghe Tin Vui này. Lòng họ cháy bừng niềm vui Chúa Phục Sinh. Vì Chúa vẫn hiện diện giữa họ. Hiện diện bằng Lời và bằng bí tích Thánh Thể. Bây giờ họ đã hiểu. Niềm vui của họ không ai cướp mất đi được. Ngày hôm nay, tôi cũng thấy Chúa, thấy Chúa nhờ vào Lời Chúa và nhờ bí tích Thánh Thể Người để lại làm sự hiện diện nhiệm mầu giữa tôi.

Đang lúc hai vị này cùng các anh em trao đổi với nhau Tin Mừng Chúa Phục Sinh, thì Chúa lại đến giữa họ, niềm vui của họ tràn đầy. Chúa cho họ thấy dấu vết trên thân xác Chúa, Chúa ngồi ăn uống với họ. Quả thật là Chúa đã sống lại rồi! Lần này Chúa đến giữa cộng đòan môn đệ mà Chúa đã chọn và gọi đi theo Chúa, cộng đoàn Giáo Hội của Chúa. Giáo Hội sẽ làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh. Đọc thêm đoạn Ga 21, tôi sẽ thấy sự hiện diện của Chúa trong Giáo Hội sâu xa như thế nào. Chúa đứng bên bờ hồ, ở xa bờ là thuyền đánh cá trên đó các tông đồ mệt mỏi vất vả mà chưa một con cá nào vào lưới. Chúa lên tiếng, ra tay chỉ dẫn… Lưới kéo lên đầy cá. Hình ảnh của Giáo Hội và sự sống của Giáo Hội dưới sự chỉ dẫn của Chúa. Chúa đứng bên cạnh chiếc thuyền Giáo Hội. Chúa hiện diện với những người Chúa chọn để lèo lái chiếc thuyền ấy cho lưới được đầy cá. Không có sự hiện diện ấy, không được gì cả. Mối giây liên kết giữa những người được chọn và được trao sứ mạng lưới cá với Chúa Giêsu là sự tin yêu. Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với thánh Phêrô bên bờ hồ, sau mẻ cá đầy, cho tôi cảm nhận sự tin yêu sâu xa này: “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy,” “Hãy chăn dắt đàn chiên của Thầy.” Sứ mạng chăn dắt đàn chiên được giao cho Phêrô dựa trên nền tảng tình yêu mà Phêrô tuyên xưng trước mặt Chúa. Không một bảo đảm nào khác. Tình yêu và Niềm tin vào Chúa là nền “đá” của Giáo Hội làm cho Giáo Hội vững muôn đời, vì có Chúa ở cùng.

Tôi chiêm ngắm niềm vui của Chúa Phục Sinh rạng rỡ. Tôi chiêm ngắm Chúa trong Giáo Hội. Và tôi để cho lòng mình tràn ngập niềm vui và bình an của Chúa Phục Sinh. Chúa ở trong Giáo Hội, và Chúa ở trong lòng tôi.

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

9 − seven =