Kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa là cho tôi đi vào một cuộc đối thoại tình yêu với Người. Người cho tôi cái vũ trụ, một cuộc đời, cả một dòng lịch sử để làm trung gian đưa tôi đi vào cuộc đối thoại đó. Thế nhưng, có một thực tại đen tối che mờ cả kế hoạch tình yêu, phá hoại kế hoạch yêu thương này. Đó là tội, chính vì nó là bóng tối, nên tôi chẳng thấy được nó. Tôi phải nhờ ánh sáng mặc khải của Chúa mới thấy được.

Tôi nhìn thế giới loài người đang chìm ngụp trong bóng đêm, tự đày đoạ mình xa ánh sáng của Thiên Chúa. Tôi cũng chìm ngụp trong đó nữa. Lúc chìm trong bóng đêm, tôi mới thấy quý ánh sáng. Hãy tưởng tượng một đêm mưa bão, tôi nhìn qua khung cửa sổ, tôi nhìn ra đường phố, nhìn xuống thung lũng, tôi thấy tất cả là tối đen. Khi quay lại nhìn ngọn đèn leo lét, ngọn đèn nhỏ ở trong nhà, nhưng lại rất quý cho giây phút ấy.

Ở đây, tôi nhìn bóng đêm tội lỗi phá hoại kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa. Nhìn vào đó để thấy ánh sáng tình thương của Chúa cao quý dường nào, và tin tưởng vào tình yêu của Người.

Tội lỗi là cái gì bí ẩn, tôi chỉ thấy nó khi nhìn vào hậu quả của nó. Đọc lại sách ngơn sứ Ba-rúc (Br 1,15 – 3,8). Đó là một bài tự thú cho tôi thấy cái ý thức sâu xa của Dân Chúa về tội lỗi của họ mãnh liệt như thế nào; khi họ bị lưu đày ở Babylon. Trong khi trước đó các ngôn sứ đã rát cổ bỏng họng để kêu gọi họ, nhưng có bao giờ họ nhận ra tội lỗi của họ đâu! Chỉ đến lúc họ nếm hậu quả của nó, họ mới thấy được nó kinh khủng như thế nào. Để suy niệm về tội lỗi, tôi cũng nên nhìn thế giới tôi đang sống ngày hôm nay. Tôi thấy bao nhiêu bất công chồng chất, bao nhiêu máu và nước mắt, bao nhiêu con người khắp mặt đất này đang quằn quại, đang bị áp bức, đang bị đày đoạ, bị bóc lột. Đó là hậu quả của tội lỗi.

Làm sao giải thoát con người ra khỏi tội lỗi? Vì chỉ khi thoát khỏi tội lỗi, con người mới hết đối xử tàn nhẫn với nhau. Tội lỗi là tình trạng sống mất liên lạc với Chúa, và khi mất mối liên lạc này, con người cũng không còn liên hệ với nhau nữa.

Hãy đọc lại hai chương sách Sáng Thế, chương 3 và 4, để thấy sức phá hoại của tội lỗi, đã phá kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Trong St 3,1-24, qua câu chuyện tôi thấy cái bản chất sâu xa của tội lỗi. Con rắn nói khích người đàn bà: “Tội nghiệp, trái cây ngon thế này mà không được ăn à?” Cái “tội nghiệp” của con rắn làm bà Eva phải trả lời: “Đâu có, được ăn hết chứ, chỉ trừ một cây thôi.” Con rắn chụp lấy chổ “yếu” ngay: “tại sao chỉ trừ một cây? Tại Thiên Chúa ghen với bà, Thiên Chúa sợ khi bà ăn nó bà bằng Thiên Chúa đấy.” Nghe lời này Eva nhìn lên cây và thấy nó vừa đẹp vừa ngon, nên giơ tay hái mà ăn. Thế là con rắn đã thành công. Nó thành công từ lúc làm cho Eva nghi ngờ tình thương của Thiên Chúa, cho rằng tình thương ấy chỉ là một sự đánh lừa. Cái giới hạn Chúa đặt ra vì yêu thương bị gán cho là một thái độ ghen ghét, thù địch. Dĩ nhiên khi nghi ngờ và nghĩ như vậy, con người sẽ đứng lên và xoá bỏ giới hạn ấy, chống đối lại Thiên Chúa, lật đổ Người. Nhưng đau buồn thay! Con người có biết đâu rằng giới hạn đó Thiên Chúa đặt ra chỉ vì muốn con người sống. Giới hạn đó không phải để đàn áp, nhưng là để giữ con người cho sự sống. Thiên Chúa không đánh lừa con người, nhưng con người tự lừa dối chính mình, coi giới hạn của mình là do sự thù ghét của Thiên Chúa. Con người muốn vượt khỏi giới hạn đó. Con người muốn tự định đoạt lấy cái gì là tốt hay xấu, trong khi cái làm cho mình chết lại tưởng nó làm cho mình sống. Con người tự lừa dối mình, con người chiếm đoạt tất cả vũ trụ mà Thiên Chúa đã trao tặng như món quà tình yêu. Nhưng ngay khi con người chiếm đoạt nó, món quà ấy còn nghĩa lý gì khi tình yêu không còn? Con người bắt đầu trốn tránh tình yêu của Thiên Chúa. Con người nhận thấy mình trần truồng lủi vào bụi cây khi Thiên Chua đến (St 3,8).

Khi phủ nhận tình thương của Thiên Chúa, thì con người cũng không còn nhận ra nhau nữa. Khi Chúa hỏi Adam: “tại sao ngươi ăn trái cấm?” Adam đã đổ tội cho Eva, người mà trước đây ông từng gọi là: “xương của tôi, thịt của tôi.” Adam đã nói: “tại người đàn bà mà Chúa đã đặt ở bên tôi, bà ấy đã xúi tôi ăn.” Trong câu này, tôi thấy Adam trách hai phía: ông trách Chúa, vì Chúa đã đem người đàn bà đó đặt bên ông, và ông trách người đàn bà vì cho bà là người dụ dỗ ông. Thật là bi đát! Tất cả đều biến đổi, trật tự đã bị đảo lộn. Vinh dự được tham gia vào sự sáng tạo của Thiên Chúa bằng lao động đã bị coi như là hình phạt, một sự đày đọa con người. Vinh dự của người mẹ, niềm vui làm mẹ cũng bị coi như một hình phạt, khi phải sinh con trong đau đớn. Trái đất để nuôi sống con người nay sinh gai góc chống lại con người. Đó là một sự sụp đổ hoàn toàn. Chính sự từ chối, phủ nhận tình yêu mà sinh ra bao nhiêu sụp đổ!

Đọc tiếp St 4 càng thấy bi đát hơn! Trong chương này, tôi thấy chính tình yêu huynh đệ bị sụp đổ, khi bà Eva sinh đứa con đầu lòng, bà sung sướng: “Tôi đã làm nên một người giống như Thiên Chúa đã làm” (hay nhờ Thiên Chúa hay cùng với Thiên Chúa). Đó là niềm vui lớn, vì từ trước đến giờ bà chỉ thấy có mỗi ông Adam là con người ngoài bà. Bây giờ, từ bụng bà sinh ra một con người khác giống như Adam. Niềm vui lớn của người mẹ được tham dự vào sứ mạng tạo dựng của Thiên Chúa. Niềm vui lớn thứ hai, bà Eva sinh một người em và đặt tên là Abel. Trước khi nó có một tên, nó được gọi là em. Ngày đó chắc Cain vui lắm, vì anh thấy mình có một người em giống mình. Trong kinh nghiệm của tôi, ngày mới có một đứa em chào đời tôi vui sướng lắm, bồng em đi khoe với bạn bè, rồi sau này dắt nó đi chơi. Tình huynh đệ đấy, niềm vui của tôi đấy. Nhưng đến cái ngày đứa em bắt đầu biết đòi quà, tôi có cái gì nó cũng đòi. Ngày đó tôi cảm thấy niềm vui của mình bị giảm thiểu? Đó là câu chuyện đã xảy ra cho hai anh em đầu tiên. Người anh, Cain, đã coi em mình, Abel, như kẻ chia bớt phần của mình, nên muốn loại trừ nó đi để độc chiếm Thiên Chúa và vũ trụ này. Cain đã lợi dụng lòng tin của tình huynh đệ mà dụ em ra nơi thanh vắng, không có ai nhìn, để thủ tiêu đứa em. Cain tưởng thế là đã xong, kế hoạch của mình đã thành công. Nhưng Cain đâu có ngờ, khi từ chối đứa em, Cain cũng đánh mất luôn Thiên Chúa, Thiên Chúa đến đòi Cain phải trả nợ máu Abel, Cain mất tất cả, trở thành kẻ cô độc đi lang thang ( St 4,14). Đó là hình ảnh sự tan vỡ tình huynh đệ nói ở cuối St 4: vất vơ vất vưởng chạy rong trên mặt đất. Hình ảnh sự tan vỡ đi tới tột đỉnh với bài ca của Lamek: “Ai đụng tới Cain thì bị báo oán bảy lần, còn ai đụng đến Lamek thì bị báo oán đến bay mươi bảy lần” ( St 4,24). Thật chẳng còn luật nào nữa, chỉ là luật rừng!

Từ chối tình yêu của Thiên Chúa, từ chối nhìn nhận nhau là anh em, đó là hai bước đầu để đi đến hậu quả một thế giới đầy tang tóc, nước mắt, máu, bất công, trong cuộc sống ngày hôm nay. Chính những phong trào giải phóng ở khắp nơi trên thế giới cho tôi thấy rõ cái thảm trạng đó của loài người. Có phong trào giải phóng vì có đàn áp, bóc lột, bất công. Vậy tôi làm gì để góp phần giải phóng con người? Tôi sẽ làm gì để sửa lại thế giới này?

Chuyện của Adam, Cain không phải chuyện ngày xưa mà chính là chuyện của hôm nay. Mỗi người là Adam, là Cain, khi từ chối tình yêu trong cuộc sống, coi anh em là kẻ thù, là giới hạn của mình. Vậy tôi phải làm gì? Tôi đã thấy sức phá hoại kinh khủng của tội lỗi đấy. Tôi phải chống lại nó. Nhưng làm sao chống lại được tội lỗi? Vì tội lỗi mạnh hơn tôi. Thánh Phaolô có nói: “Điều lành tôi muốn tôi không làm, điều dữ toi không muốn lại cứ làm” (Rm 7,19). Cuối cùng Ngài kêu lên: “Ai sẽ giải thoát tôi” (Rm 7,24), và câu trả lời của Ngài là một câu tạ ơn: “Tạ ơn Đức Giêsu Kitô” (Rm 7,25). Chỉ có Đức Giêsu Kitô giúp  tôi thắng vượt được tội lỗi (x. Rm 7,19-25).

 Tôi hãy nhìn lên Chúa Giêsu trên thập giá. Sức phá hoại kinh khủng của tội lỗi ghi dấu trên khuôn mặt của Người, không còn là khuôn mặt con của Thiên Chúa, không còn khuôn mặt của loài người. Tội lỗi đã nghiền nát khuôn mặt ấy, không còn để khuôn mặt ấy phản ánh vinh quang của Thiên Chúa. Nhưng  cũng nơi khuôn mặt Chúa Giêsu Kitô trên thập giá, tôi thấy được tình thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa vì yêu thương tôi vô cùng mà đã sai Con Người đến chịu chết để đền tội cho tôi. Tình yêu thật lạ lùng của Thiên Chúa! tình thương tha thứ! Nhìn lên thập giá để hiểu tình thương kỳ diệu của Chúa giải thoát tôi ra khỏi sự vây hãm của sức mạnh tội lỗi.

Vậy tôi hãy đặt mình trong khung cảnh thế giới đang sôi động hôm nay để nhận ra nguyên nhân sâu xa của bao khốn cùng của loài người, đó là tội lỗi, một sự từ chối tình yêu, đánh mất ý nghĩa sự sống con người. Từ đó, tôi hãy kiểm điểm lại thái độ trong đời sống của tôi. Cuối cùng nhìn lên Chúa Giêsu trên thập giá để tâm sự với Người.

Cảm nhận

Cảm nhận

Share →

Leave a Reply

Your email address will not be published.

17 + seven =